Ngày 23/2, ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu có báo cáo về sự cố công trình xây dựng đê biển Đông, đoạn giáp ranh hai tỉnh Bạc Liêu – Sóc Trăng.
Theo đó, sự cố sạt lở là do triều cường kết hợp gió mạnh gây ra đoạn đầu tuyến đê biển Đông giáp ranh tỉnh Sóc Trăng (thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), với tổng chiều dài sạt lở 46m. Trong đó, có một đoạn đê dài 25m, có chiều rộng sạt lở 6m, sâu 1,5m và một đoạn đê dài 21m, có chiều rộng sạt lở từ 1 - 3m, sâu 1m.
Nguyên nhân được xác định là do vị trí bờ biển trước đoạn đê này rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn, nên sóng đánh trực tiếp vào mái và thân đê gây ra sạt lở rất nghiêm trọng.
Do không còn rừng phòng hộ trước đê nên các ngày tới triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh sẽ còn tiếp tục đánh trực tiếp vào thân đê gây sạt lở mái đê và thân đê, nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của một số hộ gia đình phía sau đoạn đê.
Lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu gia cố tạm thời đoạn sạt lở đê biển Đông. |
Chi cục Thủy lợi tỉnh và TP. Bạc Liêu đã thực hiện các giải pháp cấp bách là thi công các rọ đá học sắp xếp liên kết với nhau ngăn chặn triều cường và chống sạt lở đê với chiều dài 30m, khoảng 300m đá hộc, ước tính kinh phí khoảng 500 triệu đồng.
Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh Bạc Liêu cho phép ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở đoạn đầu tuyến đê biển Đông giáp ranh tỉnh Sóc Trăng thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu.
Đồng thời, cho phép Sở sử dụng nguồn Quỹ phòng, chống thiên tại (hoặc bố trí nguồn dự phòng ngân sách) thực hiện thi công đá hộc sắp xếp liên kết với nhau ngăn chặn triều cường và chống sạt lở các rọ.