Sạt lở cửa sông ở phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Sáu Nghệ. |
Đầu nguồn Mê Công cả trăm điểm lở
Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình (Thanh Bình, Đồng Tháp) Đào Văn Lía cho biết, chiều dài vùng sạt lở ở xã hơn 4 km, đe dọa nghiêm trọng 250 hộ dân.
Ông Triệu Văn Đặng, 65 tuổi, ở ấp Tân Phú A, kể nhà ông trước đây cách bờ sông hơn 100 m nhưng nay sông đã sát nhà “từ đầu mùa lũ tới giờ, đêm đến vợ con phải đi ngủ nhờ nhà hàng xóm, sợ sạt lở chạy không kịp”.
Từ nhà ông Đặng ra bờ sông, trước đây có 2 dãy nhà dân, nay đã mất hết. Trận lở lớn nhất kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 năm ngoái, cuốn hơn 200 ngôi nhà xuống sông.
Không riêng xã Tân Bình mà cả 5 xã trên cù lao giữa sông Tiền thuộc huyện Thanh Bình đều trong tình trạng này.
Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp thống kê, có hơn 100 điểm sạt lở với chiều dài gần 20 km, đe dọa hơn 5.000 hộ dân.
Đồng Tháp tính toán, để di dời các hộ trong vùng nguy hiểm, cần ít nhất 5 cụm, tuyến dân cư. Nhưng lại không có tiền.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định xuất 60 tỷ đồng ngân sách, làm tuyến dân cư tại xã Tân Bình (Thanh Bình) để di dời khoảng 300 hộ. Còn những nơi sạt lở khác, tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp và “khuyến cáo người dân cảnh giác”.
Ở tỉnh An Giang, chỉ tính bờ sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao đã có 53 điểm sạt lở lớn, đe dọa hơn 5.500 hộ dân. Có những điểm sạt lở dài hàng trăm mét, sâu vào bờ hơn 50 m.
Mối nguy hiểm lớn khi mới đây, Sở TN-MT khảo sát sơ bộ đã phát hiện 13 hố xoáy sâu dưới lòng sông Hậu, gần bờ.
Cuối bể Cà Mau
Ông Nguyễn Văn Đạm ở ấp Mỹ Bình, xã Phú Tân (Phú Tân, Cà Mau) cho hay vừa bỏ nhà, chạy trong đêm vì sóng biển bất ngờ ập đến.
Ông Đạm từ huyện Năm Căn dời nhà về đây 6 tháng trước, lúc đó còn cách bờ biển khoảng 30 m. Nay căn nhà của ông đã mất tăm.
Đi về xã Tân Hải cách xã Phú Tân khoảng 6 km, cùng huyện Phú Tân, tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn. Nhiều nhà dân đã chơ vơ bên ngoài bờ kè rọ đá.
Ông Trần Văn Bảy ở vàm Cái Cám, xã Tân Hải, kể ông về đây sống chục năm đã dời nhà 4 lần vì bờ biển lở, nơi ở đầu tiên cách nơi ở hiện nay cả trăm mét. “Nay cũng lở sát nhà rồi, không còn đất để chạy đi đâu nữa”, ông Bảy than thở.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau có tuyến đê biển dài hơn 91 km, sóng biển đã làm sạt lở trên 100 điểm, tổng chiều dài khoảng 10 km, đe dọa đời sống của 26.000 hộ dân, và khoảng 130.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng dài gần 2.200m đã gây nguy hại đến thân đê, có thể làm vỡ đê.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết giải pháp của Bộ NN-PTNT là làm đê mới cách đê hiện hữu, sâu trong đất liền khoảng 100m.
Nhưng cách “chạy bờ biển lở” này lại không biết sẽ dừng ở đâu, trong lúc rất tốn tiền và đất, nhất là phải di dời hàng vạn hộ dân cũng chưa biết sẽ di dời đi đâu.