Trăng máu hay nguyệt thực toàn phần là hiện tượng thiên văn bình thường khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất và che mất nguồn ánh sáng Mặt Trời. Còn màu đỏ như máu của mặt trăng là do ánh sáng từ bề mặt Mặt Trăng bị khúc xạ khi xuyên qua khí quyển Trái Đất và biến thành màu đỏ rực qua mắt người, giống như cơ chế nhuộm đỏ bầu trời mỗi khi bình minh và hoàng hôn.
Vào ngày 27/7/2018 tới, những người ở hầu hết châu Phi, vùng Trung Đông, Ấn Độ, Australia và một số vùng ở châu Âu sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng “Trăng máu” lâu nhất tính từ đầu thế kỷ XXI cho đến nay. Các nhà thiên văn học ước tính rằng, hiện tượng nguyệt thực toàn phần sắp tới có thể kéo dài tới 1 giờ 43 phút, tức là hơn khoảng 3 phút so với hiện tượng nguyệt thực toàn phần diễn ra vào đêm 15/6/2011 (theo giờ UTC).
Cũng theo các nhà thiên văn học, hiện tượng Trăng máu sắp tới sẽ đạt đỉnh vào lúc 20 giờ (theo giờ UTC). Trong thời gian đạt đỉnh, Mặt Trăng sẽ chuyển sang màu đỏ sẫm do ánh sáng Mặt Trời chiếu vào và bị khúc xạ bởi bầu khí quyển Trái Đất.
Được biết, nguyên nhân giúp sự kiện Trăng Máu lần này kéo dài là do đúng vào ngày 27/7 tới, Trái Đất sẽ ở điểm xa nhất của nó tới Mặt Trời. Điều này sẽ tạo ra một khoảng tối lớn hơn khiến Mặt Trăng ở trong đó lâu hơn.
Đáng chú ý, hiện tượng nguyệt thực toàn phần này diễn ra theo đúng chu kỳ Saros (18 năm xuất hiện 1 lần). Trước đó, vào ngày 16/7/2000, hiện tượng Trăng máu đã xuất hiện với thời gian kéo dài lên đến 1 giờ 47 phút. Vì vậy, các nhà khoa học khẳng định rằng, các năm 2016 và 2054 sẽ là những năm tiếp theo xảy ra hiện tượng thiên văn kỳ thú này.