Sắp ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Israel dễ làm Mỹ ‘ngứa mắt’

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)
TPO - Một trong những đồng minh gần gũi nhất và đối thủ kinh tế hàng đầu của Mỹ đang xích lại gần nhau, ít nhất là trong lĩnh vực thương mại.

Trong diễn biến được coi là phép thử đối với chính sách đồng minh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Israel đang hy vọng hoàn tất một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc trong năm sau, Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Israel cho biết. 

Hai bên bắt đầu đàm phán từ năm 2016, nhưng vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra diễn ra khi phía Mỹ thúc giục Israel cẩn trọng với vai trò của Trung Quốc. Đối với Israel và các đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông, đây là bước đi cân bằng mà họ phải tính toán trước một Trung Quốc ngày càng quyết liệt còn Mỹ sắp xếp lại các bố trí quân sự ở khu vực. 

Dù các quan chức Israel và Trung Quốc gặp nhau gần đây nhất vào tháng trước để tiến hành đàm phán vòng 7, vị quan chức Israel giấu tên nói rằng vẫn chưa rõ Israel có thể đóng dấu thỏa thuận vào năm tới được không, vì tình hình chính trị bế tắc khiến nước này chưa thể thành lập chính phủ mới. 

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump tăng thuế nhiều lần lên hàng Trung Quốc để ép Bắc Kinh đàm phán lại một thỏa thuận thương mại. Trong lúc đó, Trung Quốc vươn lên thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Trung Đông, bảo đảm các nước như UAE sẽ không đứng về bên nào trong cuộc đối đầu thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Dù Mỹ vẫn lấn át Trung Quốc về tổng giao dịch thương mại với Israel, xuất khẩu của Israel sang Mỹ giảm đều từ năm 2015. Cũng trong thời gian này, doanh số bán hàng của Israel sang Trung Quốc tăng gần 2/3. 

“Chúng ta cần tránh vẽ sai ranh giới giữa thương mại với Trung Quốc và phản bội quan hệ đồng minh với Mỹ”, ông Assaf Orion, Giám đốc chương trình Israel – Trung Quốc tại Viện nghiên cứu an ninh quốc gia thuộc ĐH Tel Aviv, nói với Bloomberg.

Phát ngôn viên của Cục quan ngoại thương Israel từ chối bình luận về các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Israel nói họ không biết chi tiết, nhưng dẫn thông tin từ Bộ Thương mại nước này nói rằng hai bên đạt được tiến triển trong các cuộc gặp gần đây nhất, tập trung vào các vấn đề về thủ tục hải quan, kiểm dịch và môi trường. 

Quan hệ kinh tế giữa Israel và Trung Quốc có từ năm 1979, trước khi Trung Quốc chính thức công nhận nhà nước Israel. Quan hệ ngoại giao được chính thức hóa từ năm 1992. 

Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 15,6 tỷ USD, theo số liệu của Viện xuất khẩu Israel, với các mặt hàng điện tử và máy móc chiếm phần lớn. Về hạ tầng, Trung Quốc cũng đang là một nhà đầu tư và nhà thầu lớn ở Israel. 

Đối với Mỹ, điểm tranh cãi chính là liệu Israle có soi xét đủ kỹ đầu tư từ Trung Quốc và hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong phát triển hạ tầng mạng 5G hay không. Mỹ cũng bày tỏ quan ngại trước việc một công ty nhà nước Trung Quốc đang kiểm soát một cảng biển thương mại gần ngay nơi đậu tàu của hạm đội 6 của Hải quân Mỹ. 

Giới chức Mỹ đã nêu vấn đề này với Israel. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dọa sẽ hạn chế chia sẻ thông tin tình báo  với Israel nếu nước này không có biện pháp khắc phục. 

Trung Quốc đang trông sang Trung Đông như một bàn đạp để tiến vào thị trường châu Âu và châu Phi, vì thế khu vực này đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến hạ tầng Vành đai Con đường. Nhưng Bắc Kinh đang cẩn trọng để không đối đầu với Mỹ bằng cách lấn vào dấu chân quân sự của Mỹ ở khu vực.

Bất chấp cảnh báo của Mỹ, các công ty ở UAE và nhiều nước khác ở Trung Đông sắp cung cấp dịch vụ 5G bằng công nghệ của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei. 

Một báo cáo gần đây của Hội đồng đối ngoại châu Âu kết luận rằng Trung Quốc “vẫn có khao khát hạn chế về thách thức cấu trúc an ninh do Mỹ dẫn dắt ở Trung Đông hoặc đóng vai trò đáng kể trong chính trị khu vực”. 

Trước sức ép của Mỹ, Israel vừa lập ra một ủy ban để đánh giá rủi ro an ninh quốc gia từ các đầu tư nước ngoài, nhưng trong khi đó vẫn tiếp tục đàm phán thương mại, cho thấy nước này đang cố gắng xử lý những mối bận tâm về an ninh trong khi tiếp tục thúc đẩy các quan hệ thương mại. 

Ông Ohad Cohen, người đứng đầu Cục ngoại thương Israel, nói rằng ông không cảm thấy bất kỳ thách thức nào trước Mỹ và Trung Quốc. “Chúng tôi chỉ là con chuột và có những con voi đang chiến với nhau”, ông nói. 

Theo theo Bloomberg
MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.