ÐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Ðoàn Ðồng Tháp: Bộ máy không bị ngắt quãng
Trong kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để tiến hành kiện toàn nhân sự mới. Cũng như nhiệm kỳ trước, sau khi Đại hội Đảng toàn quốc kết thúc, Quốc hội tiến hành kiện toàn nhân sự sớm, chứ không chờ đến kỳ họp Quốc hội đầu tiên vào giữa năm. Đây cũng là công việc hết sức bình thường, đảm bảo cho nhân sự và bộ máy hoạt động hiệu quả, thông suốt, đi vào nề nếp, không bị ngắt quãng, có sự chuyển tiếp, kế thừa. Những nhân sự không tái cử sau Đại hội Đảng XIII, hay những vị trí đã thay đổi, Quốc hội sẽ sớm phải kiện toàn, chuyển giao.
Các chức danh chủ chốt, như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, hay Chủ tịch Quốc hội, sẽ nhận nhiệm vụ, tuyên thệ nhậm chức ngay sau khi Quốc hội bầu. Những nhân sự này sẽ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện ngay nhiệm vụ mới với chức danh mới. Đồng thời, các vị trí lãnh đạo được bầu mới sẽ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội với chức danh mới, để cử tri và nhân dân biết và tín nhiệm bầu. Đến kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục làm công tác nhân sự, bầu bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ mới. Còn kỳ họp cuối cùng của khoá XIV này, mặc dù Quốc hội tiến hành miễn nhiệm, bầu các chức danh mới, nhiệm vụ mới nhưng vẫn thuộc về nhiệm kỳ này, chứ không phải nhiệm kỳ sau.
Tôi kỳ vọng, tin tưởng, việc sớm kiện toàn các chức danh chủ chốt trong bộ máy Nhà nước sẽ có sự kế thừa, chuyển tiếp, giúp cho nhân sự và bộ máy hoạt động thường xuyên, liên tục, đạt hiệu quả cao trong điều hành đất nước.
PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên PGÐ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo mới
Với tư cách giảng viên cao cấp của Học viện, trực tiếp tham gia quá trình bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp chiến lược trong hai nhiệm kỳ qua, tôi hoàn toàn tin tưởng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhiệm kỳ mới. Đây là những đồng chí đã được sàng lọc qua rất nhiều khâu, được kinh qua nhiều vị trí công tác từ Trung ương đến địa phương, kinh qua nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, họ được đào tạo rất cơ bản về học thuật, nghiệp vụ, chính trị, quản lý Nhà nước, an ninh - quốc phòng…
Có nhiều lãnh đạo trẻ tuổi nhưng đã trải qua rất nhiều vị trí lãnh đạo quản lý. Họ cũng được đào tạo rất cơ bản ở trong và ngoài nước, nhiều người làm việc rất tốt trong môi trường quốc tế. Tất nhiên, nếu thuần tuý về bằng cấp, trình độ thì sự so sánh, đánh giá có phần khập khiễng. Nhưng chúng ta cũng rất phấn khởi và hoàn toàn kỳ vọng, vì đội ngũ cán bộ ngày nay hơn hẳn thế hệ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược trước đây. So với thế hệ cha anh, đội ngũ cán bộ hiện nay có điều kiện hơn rất nhiều.
ÐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Ðoàn Phú Yên): Xứng đáng là đại biểu của dân
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian đánh giá công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ. Sau 5 năm làm đại biểu dân cử, tôi tin chính tâm thế, tình cảm và sự lựa chọn phương thức hoạt động của mỗi đại biểu đã làm nên dấu ấn đặc biệt của Quốc hội khóa XIV. Đó là một phiên bản đời sống xã hội được thu nhỏ đầy sống động và màu sắc trong nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Điều khiến tôi trăn trở, suy nghĩ là hiện nay dư luận vẫn đánh giá chưa cao vai trò của ĐBQH kiêm nhiệm. Đúng là cần tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội. Nhưng từ chính hoạt động của bản thân, tôi nghiệm ra rằng, quan trọng nhất vẫn là con người. Đại biểu chuyên trách hay kiêm nhiệm, quan trọng nhất phải có tố chất, nếu không có yếu tố này, đại biểu cần phải xác định tâm thế nhập cuộc, tính quyết liệt và tinh thần trách nhiệm. Khi một ĐBQH đặt tâm thế của mình vào cử tri, góp tiếng nói trên tinh thần xây dựng, dù phản biện hay đồng thuận, sẽ tạo nên một nghị trường dân chủ, quyết liệt vì dân, vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc.
Dũng khí là một tinh thần không thể thiếu trong mỗi ĐBQH giúp hình thành tư duy độc lập, dám đương đầu, không ngại va chạm để hoàn thành nhiệm vụ cử tri giao cho. Nếu không, bất kỳ ai cũng đều dễ dàng thỏa hiệp với cái xấu, với những khuất tất vô hình trong những khái niệm đẹp đẽ. Vì vậy, đại biểu ngay từ đầu phải tự “phân vai” và có quyền yêu cầu được “phân vai” rõ ràng nơi nghị trường để hạn chế những can thiệp không đáng có.
Đại biểu dân cử nhất định phải luôn bắt đầu từ người dân, quyết liệt vì người dân. Tôi cũng cho rằng, tôn trọng những ý kiến, quan điểm, góc nhìn khác biệt trong giới hạn cho phép sẽ tạo nên một nghị trường năng động, sáng tạo, văn minh và cấp tiến. Chính tâm thế, tinh thần dân chủ mới là những yếu tố quan trọng tạo nên giá trị quyền lực của Quốc hội, giá trị của đức tin trong lòng dân, sẽ tích tụ thành sức mạnh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp.
Dự kiến, công tác nhân sự tại kỳ họp thứ 11 bắt đầu từ 30/3, khi Quốc hội bỏ phiếu kín miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội. Quy trình bầu tân Chủ tịch Quốc hội sẽ được tiến hành hôm sau. Trong hai ngày 1 - 2/4, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước và bầu người kế nhiệm. Sau đó, Quốc hội tiếp tục bỏ phiếu kín miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ, tân Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu tân Thủ tướng. Ngày 5/4, Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng mới. Cũng theo chương trình, Quốc hội sẽ miễn nhiệm, bầu và phê chuẩn một số chức danh khác trong bộ máy Nhà nước: Phó Chủ tịch nước, một số Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng Thư ký Quốc hội, một số Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ…