Sắp có nhiều 'vé đi tuổi thơ'?

Sắp có nhiều 'vé đi tuổi thơ'?
TP - Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn đang nhận được sự quan tâm của người trong và ngoài giới. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, giải thưởng Dế Mèn là “cách tốt nhất khuyến khích phong trào sáng tác cho các em”. Ông đặt niềm tin “từ đây sẽ xuất hiện rất nhiều những Nguyễn Nhật Ánh, những Nguyễn Hoàng Sơn, những Đặng Hấn, những Vương Trọng…”, là những tác giả có những tác phẩm viết cho thiếu nhi thành công.

Không ai đánh thuế niềm tin song liệu sau đây có xuất hiện “rất nhiều” những tác giả Nguyễn Nhật Ánh hay không, là điều… khó nói. Bởi từ khi tác giả “Cho tôi một vé đi tuổi thơ” nổi tiếng đến nay cũng đã bao nhiêu năm trôi qua, chưa  thấy xuất hiện thêm một cái tên nào đủ sức “soán ngôi” của nhà văn xứ Quảng trong lòng độc giả nhí và độc giả trẻ.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh từng là người không đánh giá cao Nguyễn Nhật Ánh. Ông không hiểu vì sao từ thiếu nhi đến bạn trẻ lại hâm mộ Nguyễn Nhật Ánh cuồng nhiệt, giúp tác giả “Kính vạn hoa” trở thành một trong số ít những nhà văn Việt sống tốt bằng nghề. Chỉ đến khi nghiêm túc nghiên cứu một tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, Trung Trung Đỉnh mới hiểu vì sao người trẻ nói chung mê Nhật Ánh chứ không mê … mình. Và tác giả “Ngõ lỗ thủng” kết luận: Viết cho thiếu nhi, cho người trẻ cứ tưởng dễ mà khó.

Ở ta, không thiếu những nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi. Ngoài những tên tuổi chuyên “cày” trên mảnh đất này thì những nhà văn, nhà thơ tên tuổi đều đã từng hoặc có dự định sẽ viết cho trẻ nhỏ. Mới đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho ra mắt tập sách “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya”. Ở cuốn sách này, Nguyễn Quang Thiều đóng vai thư ký ghi chép lại những câu chuyện của hai cháu mình, từ ngày chúng sinh ra, kỷ niệm về quê nôi, quê ngoại… Cách viết của Nguyễn Quang Thiều trong sáng, nhẹ nhàng nhưng không biết thị trường sách  đón nhận ra sao?

Đừng tưởng chỉ lĩnh vực văn học mới thiếu những tác phẩm xuất sắc cho trẻ em, ngay âm nhạc cũng “đói” những tác phẩm được thiếu nhi yêu thích. Bao nhiêu năm qua, tác giả “Con cò bé bé” đã già mà tác phẩm vẫn cứ được “tua đi tua lại” trong ngôi nhà, ngôi trường của trẻ thơ. Một mặt nói lên sức sống của tác phẩm, mặt khác phản ánh sự thiếu hụt những tác phẩm hay cho đối tượng “búp trên cành”.  Có thể kể đến một số bài hát thiếu nhi “kinh điển” khác như “Cháu lên ba”; “Đi học về”…

Một lần, trò chuyện với phu nhân nhạc sỹ Hồng Đăng, chị khoe chồng mình còn nhiều ca khúc thiếu nhi chưa có cơ hội bước từ “trong kho” ra với công chúng. Chị cho rằng, ca khúc dành cho thiếu nhi không thiếu. Có lẽ, thiếu thì không thiếu nhưng còn phải xem chúng có bị “yếu” không? Nếu chúng khỏe thì lo gì không có “đất” sống?

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.