Sắp có luật chống thù hận người gốc Á vì COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà hoạt động xuống đường với khẩu hiệu kêu gọi chấm dứt thù hận người gốc Á sau khi xảy ra vụ xả súng ở Atlanta ngày 17/3. Ảnh: Getty Images
Các nhà hoạt động xuống đường với khẩu hiệu kêu gọi chấm dứt thù hận người gốc Á sau khi xảy ra vụ xả súng ở Atlanta ngày 17/3. Ảnh: Getty Images
TP - Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật nhằm xử lý tình trạng tấn công và kỳ thị người Mỹ gốc Á vì COVID-19.

Tình trạng người Mỹ gốc Á bị tấn công được báo chí phản ánh từ tháng 3/2020, khi dịch COVID-19 đang lan ra thế giới và một số chính trị gia Mỹ, trong đó có cựu Tổng thống Donald Trump, cáo buộc Trung Quốc gây ra đại dịch. Nhưng các nạn nhân bị tấn công ở Mỹ không chỉ là người gốc Hoa, mà còn là người gốc Việt hoặc các quốc gia châu Á khác.

Hạ viện Mỹ vừa thông qua Đạo luật về Tội ác thù hận COVID-19 số 364-62 để cho phép Bộ Tư pháp Mỹ đánh giá các vụ tội phạm thù hận và cử quan chức của bộ này giám sát nỗ lực chống thù hận liên quan đến COVID-19, Reuters đưa tin ngày 19/5.

Hạ nghị sĩ Judy Chu, Chủ tịch nhóm nghị sĩ gốc Á - Thái Bình Dương tại Quốc hội Mỹ, nói trong cuộc họp báo ngày 18/5 (giờ Mỹ): “Sau 1 năm, chúng ta chứng kiến 6.600 tội ác thù địch nhằm vào người gốc Á và sau hơn 1 năm cộng đồng người Mỹ gốc Á kêu cứu, hôm nay, Quốc hội có một bước đi lịch sử để thông qua đạo luật về tội ác thù hận vốn được chờ đợi từ lâu”.

Bà Chu nói rằng, những vụ việc xảy ra khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á cảm thấy kinh sợ. Hạ nghị sĩ Chu kể với báo USA Today giống như nhiều người Mỹ gốc Á, bà thường xuyên bị hỏi câu “bà đến từ đâu”. Là người sinh ra ở Mỹ, bà Chu cho biết, câu hỏi đó khiến bà “cảm thấy mình như người nước ngoài trên chính đất nước của mình”.

Sau vụ xả súng hàng loạt ở bang Georgia hồi tháng 3 khiến 8 người thiệt mạng, 6 nạn nhân trong đó là người gốc Á, các nghị sĩ thuộc cả hai viện trong Quốc hội Mỹ đều lên tiếng kêu gọi phải nhanh chóng ban hành luật này. Dự luật được thông qua trong tháng 5 - Tháng di sản người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương.

Dự luật đã được Thượng viện thông qua hồi tháng 4 với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối. Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển đến bàn của Tổng thống Joe Biden để chờ ký ban hành luật.

Con số kinh hoàng

Số vụ tội phạm thù hận chống người gốc Á tăng hơn 164% trong quý 1 năm nay tại 16 thành phố, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu thù hận và cực đoan thuộc ĐH California. Hơn 6.600 vụ việc được báo cáo từ khi đại dịch bắt đầu xuất hiện ở Mỹ. Hơn 1/3 số vụ đó xảy ra trong tháng 3 vừa qua.

Cuộc bỏ phiếu của Hạ viện để thông qua dự luật diễn ra vào Ngày quốc gia chống bắt nạt và thù hận người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương, nhân kỷ niệm ngày sinh của Vincent Chin, người thiệt mạng năm 1982 trong một vụ tấn công thù hận. Chin là người Mỹ gốc Hoa ở thành phố Detroit, bị 2 công nhân của xưởng sản xuất ô tô giết hại vì nghĩ Chin là người Nhật. Hai đối tượng này cho rằng chính người Nhật khiến ngành công nghiệp ô tô của thành phố trở nên khốn đốn, nhưng họ chỉ bị phạt hành chính 3.000 USD/người rồi được trả tự do.

Tổng thống Biden ủng hộ Đạo luật Tội ác thù hận COVID-19. “Đã đến lúc Quốc hội phải hệ thống hóa và mở rộng luật để xử lý những hành động này, vì mỗi người ở đất nước chúng ta đều có quyền được sống và sống trong an toàn, phẩm giá và sự tôn trọng”, ông Biden phát biểu hồi tháng 3. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki viết trên Twitter hôm 18/5: Tổng thống Biden sẽ ký dự luật trong tuần này. Một số thành viên gốc Á và Thái Bình Dương trong Quốc hội Mỹ coi đây là khởi đầu tốt để chống lại loại tội phạm này, nhưng cho rằng cần vận động và cần sự hỗ trợ từ các cộng đồng khác.

Hạ nghị sĩ Grace Meng, tác giả của dự luật, đã công bố một video chứa nhiều thư thoại có nội dung phân biệt chủng tộc mà văn phòng của bà nhận được. Một số thư thoại dùng cụm từ “kung flu” - võ cúm (nói chệch từ “kungfu” - võ thuật). Đây là cụm từ mang ý xúc phạm để nói rằng người Trung Quốc gây ra đại dịch COVID-19.

Sẵn sàng hỗ trợ người Việt

Trong một cuộc họp báo gần đây, khi được hỏi về tình trạng gia tăng kỳ thị và tấn công người gốc Á tại Mỹ và các quốc gia phương Tây, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Chính phủ Việt Nam, cũng như các bộ ngành liên quan, thông qua các kênh làm việc khác nhau, thường xuyên đề nghị chính phủ và các cơ quan chức năng của các quốc gia đảm bảo an toàn và tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài sinh sống, làm việc và học tập một cách an toàn, có thể đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội ở các nước sở tại. Người Việt Nam bị xâm hại hoặc bị ảnh hưởng (bởi tình trạng phân biệt chủng tộc) có thể liên hệ và thông báo qua tổng đài bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam và đường dây nóng của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để được hỗ trợ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.