Sao lại 'buông tay' đúng lúc các em cần?

Đoàn Olympic Hóa học và Vật lý 2018 ngày trở về tại sân bay Nội Bài. Ảnh: P.V
Đoàn Olympic Hóa học và Vật lý 2018 ngày trở về tại sân bay Nội Bài. Ảnh: P.V
TP - Sau mỗi tấm huy chương olympic quốc tế các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học là những tuyên dương, những trao thưởng rồi thôi. Những tấm huy chương ấy lần lượt tìm học bổng để đi du học. Rồi đến lượt chúng ta trải thảm đỏ mời họ về. Không nuôi, không dưỡng nhưng muốn có người tài trong khi môi trường khoa học trong nước chưa phát triển. Mâu thuẫn này khi nào thì giải quyết xong?  

Không dưỡng, không nuôi, lấy đâu nhân tài ?

Nguyễn Thế Hoàn, chủ nhân hai HCV Olympic Toán quốc tế (2014, 2015) được nhắc đến như một ví dụ điển hình. Điển hình không phải vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt, không phải chỉ vì em được hai HCV mà là câu chuyện em vật lộn xin học bổng để được du học ở những ngôi trường mơ ước tại nước Mỹ xa xôi. Hoàn mất 2 năm để học ngoại ngữ, để tham gia các hoạt động xã hội với mong muốn xin được học bổng. Hoàn cảnh gia đình không thể cho phép em du học tự túc.

Nhưng sau hai năm, em đành nhập học tại trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, từ bỏ giấc mơ ĐH Mỹ. Điều đau xót ở đây là tại sao chúng ta lại “buông tay” đúng lúc em cần hỗ trợ? Trong khi đó, số lượng học sinh cả Việt Nam và quốc tế đạt hai huy chương vàng Olympic toán quốc tế chắc chắn không nhiều.  Khi các em đạt thành tích, chỗ nào cũng muốn tung hô, cũng muốn tuyên dương khen thưởng. Nhưng rồi chỉ một lần là xong. 

Phạm Đức Anh, sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Y Hà Nội, cũng là chủ nhân của hai tấm HCV Olympic Hóa học quốc tế (2017, 2018). Đức Anh cho biết em không đi du học vì em thích học Y và môi trường đào tạo trong nước hoàn toàn đáp ứng nguyện vọng của em. Nếu có du học, em sẽ lựa chọn học tiến sĩ. Dù ở lại trong nước, Đức Anh cũng bước vào môi trường ĐH cũng giống như tất cả những sinh viên khác, không có gì trợ giúp đặc biệt hơn để em phát triển năng lực vốn có của mình.

Hiện nay, tại một số trường ĐH như Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TPHCM, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, chủ nhân của các tấm huy chương đều lựa chọn học như một bến đỗ tạm thời. Dù các em đều được lựa chọn vào hệ cử nhân tài năng, kỹ sư tài năng... nhưng chỉ sau năm thứ nhất, cùng lắm là năm thứ hai, khi đã tích lũy đủ những điều kiện mà các trường yêu cầu là các em đi du học. Nơi các em lựa chọn nhiều nhất là các trường ĐH Mỹ.

Rất ít em lựa chọn ở lại Việt Nam để học hết ĐH. Chúng ta đã có một hệ thống trường chuyên trên khắp đất nước để đào tạo nhân tài. Mỗi năm, tất cả các đội tuyển Olympic cũng chỉ khoảng hơn 30 em tham gia thi quốc tế, số các em đạt huy chương còn ít hơn. Nhưng, các em nỗ lực có tấm huy chương là chỉ để tìm kiếm một cơ hội học cao hơn ở các trường ĐH nước ngoài. Không dưỡng, không nuôi, sao có nhân tài để mong phục vụ đất nước?

Mỗi cánh diều cần có một sợi dây

Theo GS. Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều vấn đề. Những trường hợp đặc biệt xuất sắc như  Nguyễn Thế Hoàn nên đi nước ngoài.

Còn những trường hợp chưa xuất sắc nhưng vẫn giỏi nếu được đào tạo trong nước cũng đóng góp cho đào tạo rất nhiều. Nhưng bây giờ ai cũng muốn đi. Họ đi vì nhiều lý do trong đó có nguyên nhân  môi trường học trong nước không đáp  ứng  yêu cầu. Trường học muốn tốt phải có lớp tốt, lớp muốn tốt thì phải có sinh viên tốt. Muốn sinh viên yên tâm trong nước học  thì phải có học bổng cho họ và có hỗ trợ cho những người thầy dạy học.

Thời gian đầu, hệ cử nhân tài năng của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo rất tốt vì người học được cấp học bổng, người dạy được hỗ trợ. Toàn bộ những cán bộ xuất sắc của Viện Toán hiện nay đều là sinh viên những khóa đầu của hệ này. Nhiều ngành khác ở hệ này cũng thế.

Có thể nói, hệ cử nhân tài năng ngày đó của trường ĐH Khoa học tự nhiên đã đào tạo được một đội ngũ chủ chốt cho rất nhiều đơn vị. Theo GS. Phùng Hồ Hải, nếu có có một “gói” như vậy thì chắc chắn nhiều người sẽ gắn bó với Việt Nam. Như thế, cũng lợi cho cả môi trường giáo dục. 

Với những người ra đi, cần làm gì? GS. Phùng Hồ Hải cho rằng, nếu  có những cơ chế tạo điều kiện cho họ  hàng năm về nước thì sẽ là cầu nối để sau này họ trở về. Kinh nghiệm của GS. Hải cho  thấy những người đi học ở nước ngoài hay về thăm nhà thì chắc chắn sẽ về, sẽ gắn bó. Nếu không hay về, dễ bị sốc văn hóa ngược. Họ đi miết nên khi về không vượt qua được những khác biệt và bị sốc văn hóa trên chính quê hương của mình. 

Tuy nhiên, mô hình lý tưởng nhất là có quỹ học bổng của nhà nước. Nhưng cũng đừng tư duy theo kiểu như thế là các em đang nợ nhà nước. Nhà nước coi đây là hỗ trợ, sau này, bản thân mỗi người sẽ có cách “trả nợ” của riêng mình. Hỗ trợ theo kiểu  ký xong về đòi nợ, kiện cáo thì đó không phải là cách để “đối đãi” với người tài. Có nhiều cách để họ có thể giúp được đất nước, không nhất thiết phải về Việt Nam.

GS. Phùng Hồ Hải cho biết từ năm 2006, 2007, Viện Toán đã phối hợp cùng chương trình 322 (chương trình  học bổng của chính phủ) để đào tạo những người đạt yêu cầu. Viện đào tạo 1 năm trong nước, sau đó gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Sau 4 năm chương trình 322 dừng, Viện phải tự tìm kinh phí. Học bổng ít hơn nên học viên cũng kém đi, không thu hút được nhũng sinh viên giỏi nhất vào học. 

Còn hiện nay, chúng ta đang “buông”. Có thể ví, những hạt giống tài năng cũng giống như những cánh diều. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, các em cần được đưa ra nước ngoài đào tạo. Nhưng mỗi cánh diều cần có một sợi dây để níu kéo các em. 

PGS. Bùi Quốc Tính, ĐH Công nghệ Tokyo cho rằng ông đã ngộ ra rất nhiều điều từ chính bản thân mình. 16, 17 năm ăn cơm nước ngoài, làm việc cho nước ngoài, ông nhận thấy, những người giỏi vẫn cần được nhà nước đầu tư. Có thể họ không trở về nước làm việc nhưng bằng cách này hay cách khác họ đều có đóng góp cho Việt Nam. Sau tuyên dương là cái gì? Việt Nam muốn có nền khoa học vững mạnh thì không thể không đầu tư nghiêm túc cho những tài năng vừa nhú.

MỚI - NÓNG