Chị không chỉ là nữ đại biểu duy nhất được báo cáo thành tích trước Đại hội, cũng không phải là nữ tiểu đoàn trưởng duy nhất trong gần 200 tiểu đoàn trưởng trong toàn Quân khu, mà bởi nghị lực và việc làm sáng ngời đạo lý lương y của chị khiến mọi người cảm phục.
Đại úy Hoàng Mai Sao đang siêu âm ổ bụng cho quân nhân điều trị tại đơn vị. Ảnh: Chí Dũng
Cứu người trên hết
Chị Sao kể lại: Khoảng 1 giờ sáng 8/10/2011, khi người xã Yên Đổ, Phú Lương, Thái Nguyên, đang chìm trong giấc ngủ, bỗng có tiếng đập cửa mạnh, cùng tiếng kêu cứu: “Chị ơi cứu con em với”.
Chị Trần Thị Hồng, vợ đồng chí Đoàn Văn Triều, nhân viên quản lý của Tiểu đoàn đang bế trên tay con nhỏ mới hai tuần tuổi, cháu bé trong tình trạng khó thở, nằm bất động, toàn thân tím tái. Mẹ cháu nói thấy cháu ngạt mũi nên dùng dầu phật linh cho cháu ngửi, nhưng do sơ ý làm đổ vào miệng cháu. Dầu phật linh với đặc tính cay, nóng gây suy hô hấp cấp cho trẻ sơ sinh.
Chị Sao dùng miệng hút đờm, dịch từ miệng cháu, kết hợp hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Phải gần một phút sau cháu mới bật khóc, niêm mạc dần dần hồng lên, cháu đã qua cơn nguy kịch. Ngay trong đêm chị Sao cùng gia đình đưa cháu xuống Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên tiếp tục điều trị.
Câu chuyện vừa dứt cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay, Trung tướng Nguyễn Sỹ Thăng, Chính ủy Quân khu 1, nói lời động viên và trao cho chị bó hoa tươi thắm.
Giờ đây cháu Đoàn Ngọc Bích đã tròn 3 tuổi. Trong câu nói ngọng nghịu, khi được hỏi về bác Sao, cháu nói: “Con yêu mẹ Sao lắm”. Còn chị Hồng, mẹ cháu cứ luôn miệng nói với chúng tôi, chị Sao chính là người mẹ sinh ra cháu lần thứ hai.
“Cứu người là bổn phận và nghĩa vụ thiêng liêng của người thầy thuốc, tôi cứu người bởi tâm trong sáng, luôn coi người bệnh như người thân của
mình”.
Bác sỹ Hoàng Mai Sao
Cháu Bích là một trong chục bệnh nhân được bác sỹ Sao cấp cứu kịp thời. Chị Đào Thị Tình, trú tại số nhà 43, Biệt thự 3, Bán Đảo Linh Đàm, Hà Nội cũng được chị Sao cứu sống.
Chuyện xảy ra cuối tháng 11/2013, chị Tình tái phát chứng nhược cơ, thiếu can xi, tụt huyết áp, chân tay co giật, sùi bọt mép, nửa thân dưới mất cảm giác, có biểu hiện hôn mê. Chị Sao cùng đồng nghiệp nhanh chóng cấp cứu, giúp chị Tình qua cơn nguy kịch.
Là người chứng kiến và hiểu rõ bệnh tình của vợ, anh Hoàng Kim Thành (chồng chị Tình) nói: “Bác sỹ Sao không quản đêm khuya nhiệt tình cứu chữa, nếu chậm chút nữa tính mạng của vợ tôi sẽ không giữ được. Khi vợ tôi tỉnh lại cô ấy nói: “Anh Thành ơi em sống rồi”.
Vẫn chưa yên tâm, chị Sao còn theo xe đưa vợ tôi xuống Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên để theo dõi. Khi chị về đến nhà cũng gần 2 giờ sáng. Gia đình chúng tôi coi chị như ân nhân của mình”.
Ngay trước ngày dự Đại hội thi đua Quyết thắng (cuối tháng 9/2014), chị Sao cấp cứu thành công anh Đào Văn Khải, 39 tuổi trú tại phường Phố Cò, thị xã Sông Công (Thái Nguyên), huấn luyện dự bị động viên tại Sư đoàn 346, có tiền sử rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, gút, lên cơn đau tim dữ dội, nguy cơ nhồi máu cơ tim, tỷ lệ tử vong rất cao, nhờ phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời nên anh đã qua khỏi.
“Cứu người là bổn phận và nghĩa vụ thiêng liêng của người thầy thuốc, tôi cứu người bởi tâm trong sáng, luôn coi người bệnh như người thân của mình”.
Hậu phương vững chắc
Năm 18 tuổi chị Sao tình nguyện nhập ngũ. Chị trải qua nhiều cương vị, từ y tá, y sỹ, rồi bác sỹ trưởng ban Ngoại, tháng 10/2013, giữ chức phó tiểu đoàn trưởng và bây giờ là tiểu đoàn trưởng.
Chưa được đào tạo cơ bản về chỉ huy, trong khi đó đơn vị làm nhiệm vụ chuyên môn, đa số có tuổi đời cao, đơn vị chưa được đầu tư xây dựng cơ bản, trang thiết bị khám chữa bệnh lạc hậu, trình độ chuyên môn của y, bác sỹ không đồng đều là trở ngại không nhỏ với chị. Nhưng bằng tình yêu nghề và thái độ chân thành chị được anh em, đồng nghiệp mến phục, cấp trên tin tưởng, công việc hanh thông.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác, tập thể Tiểu đoàn Quân y 24 nhiều năm được cấp trên khen thưởng, riêng Đại úy Hoàng Mai Sao, 2 năm liên tiếp (2013, 2014) được bình bầu danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Khi hỏi về thành công của mình, chị Sao chỉ tay về phía chồng và con trai, nói: “Tất cả là nhờ có hậu phương vững chắc luôn chia sẻ, cùng tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống, nhất là khi mình theo học bác sĩ 4 năm tại Học viện Quân y.
Khi đó, anh vừa là chồng, là cha, lại là mẹ thay tôi chăm sóc con nhỏ, lo toan việc gia đình”. Chồng chị Sao – anh Ngô Văn Đạt, cũng là người lính nên thấu hiểu công việc của vợ.
Ngôi nhà của chị Sao giờ luôn đầy ắp tiếng cười. Bè bạn, hàng xóm láng giềng, nhân dân xã Yên Đổ (Phú Lương, Thái Nguyên) nơi đơn vị đóng quân, hễ có ai ốm đau, không quản đêm hôm, chị lại sẵn sàng giúp đỡ mà chẳng đòi hỏi thù lao.
Dường như cảm được ý nghĩa lớn lao trong công việc của mẹ nên cậu con trai duy nhất của chị Sao, cháu Ngô Duy Ngọc, tháng 10 này cũng khăn gói về Đại học Y Thái Bình, dùi mài kiến thức để cùng mẹ chữa bệnh cứu người. Mong rằng ngôi sao lấp lánh từ chị sẽ luôn tỏa sáng.