Sang Nhật Bản thử robot, 'cưỡi' Cub điện, trải nghiệm xe Hydro

Trong khuôn khổ Tokyo Motor Show 2017, Honda đã đem tới cơ hội hiếm có cho báo giới, khi tạo điều kiện tiếp cận những mẫu phương tiện mang tính đột phá, nhiều trong số đó không chỉ thể hiện tầm nhìn của thương hiệu Nhật Bản về một xã hội không phát thải carbon, mà còn góp phần quan trọng vào việc chăm sóc và đảm bảo cuộc sống con người.

UNI-CUB b

Là sản phẩm được phát triển theo Công nghệ người máy của Honda, UNI-CUB b còn thể hiện quan điểm của hãng xe Nhật Bản trong việc không chỉ tạo ra những phương tiện di chuyển thuần túy, mà còn tạo ra cả giá trị cho cuộc sống hàng ngày của con người. 

Sang Nhật Bản thử robot, 'cưỡi' Cub điện, trải nghiệm xe Hydro ảnh 1

Với quan điểm ấy, không lạ khi UNI-CUB b được tối ưu hết mức có thể, không chỉ về công năng mà cả mức độ dễ dàng và tính an toàn khi sử dụng. Nhờ thế, xe có thể được sử dụng linh hoạt trong các môi trường chật hẹp (không có rào cản như cầu thang hay gờ cửa), như văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện… Thực tế, ngay từ năm 2012, Honda đã triển khai thử nghiệm UNI-CUB b tại một số bảo tàng cho cả nhân viên lẫn khách tham quan, và kết quả thu được rất đáng khích lệ. 

Về mặt kĩ thuật, UNI-CUB b có kích thước 510 x 315 x 620mm (chiều cao ghế cũng là 620mm), tổng trọng lượng chỉ 25kg. Xe có tốc độ di chuyển tối đa 6km/giờ, và linh hoạt kể cả theo phương ngang. Với pin Lithium Ion tích hợp, xe có thể di chuyển liên tục trong khoảng 1,5 tiếng (tốc độ trung bình 4 km/giờ) với tổng hành trình khoảng 6km – thừa đủ cho môi trường trong nhà. 

Sang Nhật Bản thử robot, 'cưỡi' Cub điện, trải nghiệm xe Hydro ảnh 2

Để điều khiển UNI-CUB b, người ngồi trên xe chỉ cần nghiêng người nhẹ về phía mình muốn đi. Cảm biến của xe khá nhanh nhạy, và dễ dàng nắm bắt ngay lập tức sự thay đổi hành vi dù chỉ là nhỏ nhất. Do tốc độ không quá cao, và trọng tâm thấp, UNI-CUB b không tạo cảm giác chông chênh đáng sợ như một số loại xe điện hai bánh đang tràn ngập trên thị trường hiện nay. Thao tác lên xuống cũng rất vững vàng, khi chỉ yêu cầu người dùng đặt hai chân xuống đất thay vì phải nhón chân khiến trọng tâm bị lệch, dễ ngã.

Mặt khác, chiều cao ngồi trên UNI-CUB b cũng vừa phải, thậm chí lý tưởng nếu người dùng thường xuyên di chuyển từ mặt bàn này sang mặt bàn khác trong công việc. Điểm yếu duy nhất của sản phẩm có lẽ nằm ở âm thanh vận hành vẫn tương đối ồn, chưa thực sự phù hợp cho các môi trường nhạy cảm về âm lượng. Tuy nhiên do đây vẫn là sản phẩm trong quá trình phát triển, nên Honda hoàn toàn có thể khắc phục trước khi thương mại hóa về sau này.

Walking Assist Device (WAD) – Công nghệ vị nhân sinh

Nếu như Clarity hay thậm chí UNI-CUB b đều hướng tới nhu cầu di chuyển, WAD lại là “món lạ” tưởng chừng không liên quan tới những chiếc xe có bánh. Cũng giống như UNI-CUB b, WAD là thành quả từ quá trình nghiên cứu robot và các thiết bị hỗ trợ đi lại cho con người kéo dài suốt từ năm 1999, đồng thời thừa hưởng nhiều thành tựu từ robot ASIMO nổi tiếng.

Sang Nhật Bản thử robot, 'cưỡi' Cub điện, trải nghiệm xe Hydro ảnh 3
Về mặt kết cấu, WAD khá đơn giản, thiết lập chỉ bằng cách kẹp chặt vào hông và bắp đùi của người sử dụng, và dùng các cảm biến máy tính để thu thập thông tin cũng như đưa ra các phản hồi tương ứng nhằm hỗ trợ từng bước chân một cách chính xác nhất. Đây là thiết bị lý tưởng để hỗ trợ cho các quy trình điều trị vật lý và phục hồi chức năng. Việc tương tác hai chiều như vậy cũng cho phép nó có thể đóng cùng lúc ba vai trò: hoặc theo dõi tình trạng sức khỏe, hoặc phục hồi chức năng, hoặc điều chỉnh tối ưu thao tác bước để thay đổi điểm tì lực nhằm đạt hiệu quả di chuyển tốt hơn khi có vết thương trên chân.
Sang Nhật Bản thử robot, 'cưỡi' Cub điện, trải nghiệm xe Hydro ảnh 4 Hầu hết các thao tác điều khiển của WAD đều có thể thực hiện trên máy tính bảng, khiến bảng điều khiển chính khá đơn giản
Theo Honda, WAD và các các phụ kiện kèm theo chỉ nặng khoảng 2,7kg, và thực tế cũng cho thấy đeo lên người khá nhẹ nhàng. Sau khi hoàn tất việc cài đặt và kích hoạt, mô tơ hỗ trợ của WAD với mô men xoắn cực đại 4Nm ngay lập tức thể hiện hiệu quả. Người sử dụng có thể thoải mái di chuyển mà không hề cảm thấy vướng víu. Hệ thống cảm biến với máy tính kiểm soát sẽ tự động nhận biết kiểu hình bước để đưa ra những lực hỗ trợ phù hợp. 

Nói cách khác, nếu bước chậm chạp và nhẹ nhàng đúng với trạng thái người có vấn đề về sức khỏe, lực bù của WAD là rất lớn. Nếu bước nhanh, mạnh, tác động từ WAD khá mờ nhạt (đôi khỉ chỉ chiếm 8% lực bước). Thú vị nhất chính là sự hiện diện của thiết bị này khiến việc lên xuống cầu thang trở nên rất nhẹ nhàng, lý tưởng cho người lớn tuổi để hạn chế rủi ro. Theo chuyên gia tại thực địa của Honda cho biết, pin Lithium Ion tích hợp bên trong WAD (22,2v – 1Ah) cho thời gian sử dụng khoảng 2 tiếng, khá ngắn nếu xét ở góc độ WAD như một phương tiện hỗ trợ thường nhật, nhưng là đủ cho các giải pháp trị liệu, tập luyện. 

Được biết, tại Nhật Bản, Honda đã triển khai thí điểm Walking Assist dưới hình thức cho thuê, để dùng trong các hoạt động vật lý trị liệu từ tháng 11-2015.

Trải nghiệm xe nhiên liệu Hydro

Nếu như UNI-CUB b và WAD nhắm tới những hoạt động trong nhà thường nhật của con người, nhu cầu di chuyển đường dài cũng được Honda “chăm chút” với hai biến thể mới của dòng Clarity: một với hệ truyền động Hybrid cắm-sạc (Clarity PHEV), và một với hệ truyền động thuần điện sử dụng nhiên liệu Hydro (Clarity FCV). 
Sang Nhật Bản thử robot, 'cưỡi' Cub điện, trải nghiệm xe Hydro ảnh 5

Honda sẽ bán ra Clarity PHEV tại Mỹ và Nhật Bản ngay trong năm nay.

Hiện đã có lịch ra mắt tại Mỹ và Nhật Bản ngay trong năm 2017, Clarity PHEV là mẫu xe xanh hoàn toàn mới, thể hiện bước tiến rõ rệt đầu tiên của Honda vào sân chơi thương mại mới mẻ này. Chính vì thế, không lạ khi Clarity PHEV có khoảng hành trình thuần điện lên tới gần 70km (pin Lithium Ion 17kW) – cao nhất trong số các mẫu xe PHEV tại thị trường Mỹ hiện nay. Ngoài mô tơ điện 181 mã lực / 314,5Nm, xe cũng có động cơ 4 xy lanh 1,5L (102 mã lực) để sinh điện, nâng hành trình tổng thể lên tới hơn 530km.

Về phần mình, Clarity Fuel Cell tạo điểm nhấn nhờ khoảng hành trình vượt trội so với xe sử dụng pin điện thông thường – lên tới 750km/lần nạp nhiên liệu. Đây là mức không thua kém gì xe sử dụng xăng dầu truyền thống. Trong khi đó, thời gian nạp đầy bình nhiên liệu cũng chỉ khoảng 3 phút.

Sau một khoảng thời gian cầm lái cả hai mẫu Clarity trên đường chạy thử tại Tochigi (Nhật Bản), có thể khẳng định rằng hệ truyền động Hybrid cũng như hệ truyền động điện của Honda Clarity đã thực sự hoàn thiện, đủ khả năng đáp ứng ngay cả những tác vụ khó khăn nhất với hiệu suất không thua kém gì động cơ xăng truyền thống, trong khi lại song hành với vô vàn những lợi thế của xe điện, mà trong đó phải kể tới hàng loạt các tiện nghi phong phú. Dòng điện sinh ra từ pin công suất cao cũng ổn định hơn nhiều so với việc tận dụng điện từ máy phát hoặc ắc quy xe, giúp độ bền trang bị điện tử được tăng cường.

Sang Nhật Bản thử robot, 'cưỡi' Cub điện, trải nghiệm xe Hydro ảnh 6 Clarity FCV phiên bản đua đem lại những trải nghiêm khó quên, dễ dàng thay đổi quan điểm số đông về những chiếc xe điện tưởng chừng nhàm chán
Thêm vào đó, những trải nghiệm cũng chỉ ra một điều quan trọng khác. Đó là so với một số mẫu thuần điện có mặt trên thị trường hiện nay, Clarity có ưu thế lớn về cảm giác lái khi thừa hưởng đầy đủ gen sôi động của một chiếc Honda. Thực tế, ngay trong buổi thử nghiệm, ngoài những trải nghiệm trực tiếp sau tay lái trên Clarity FCV (với mô tơ điện 174 mã lực/300Nm), mỗi thành viên tham gia còn được được trực tiếp ngồi trên chiếc xe đua sử dụng nhiên liệu Hydro do tay lái chuyên nghiệp vận hành.

Với lợi thế mô men xoắn cực đại lớn của mô tơ điện, chiếc xe càng có tốc độ bứt phá hết sức mạnh mẽ. Tinh giản tối đa các chi tiết nội thất nhằm giảm trọng lượng đáng kể so với mức nguyên bản 1.890kg cũng càng “chắp thêm cánh” cho mãnh hổ này. Thực tế ấy cũng minh chứng cho tiềm năng thể thao của những chiếc xe điện, song song với khả năng kế thừa và phát huy phong cách truyền thống của Honda trong thời đại mới của những chiếc xe xanh. 

Sang Nhật Bản thử robot, 'cưỡi' Cub điện, trải nghiệm xe Hydro ảnh 7

Clarity FCV có thể sản xuất điện phục vụ đời sống khi cần thiết.

Mặt khác, nếu như “xanh” trong vận hành đã là rất quan trọng, đó mới chỉ là một nửa vai trò của chiếc sedan 5 chỗ sử dụng pin nhiên liệu đầu tiên trên thế giới này. Trong viễn cảnh do Honda đề ra, việc kết hợp xe với một thiết bị phát điện ngoại vi di động mang tên Power Exporter 9000 (cũng bắt đầu bán từ hôm nay), Clarity FCVcó thể vận hành như một nguồn điện di động, đủ cung cấp năng lượng điện cho một hộ gia đình sinh hoạt trong khoảng 7 ngày. Đây sẽ là tiện ích cực kì quan trọng trong các trường hợp thiên tai, rủi ro, góp phần quan trọng vào sự ổn định xã hội cũng như duy trì cuộc sống cho mỗi người.

Có thể thấy, với ba sản phẩm độc lập, hướng tới những mục đích hết sức rõ ràng từ những bước chân, nhu cầu di chuyển trong nhà, cho tới những hành trình dài hơi, Honda đã thể hiện cam kết rất rõ nét trong việc nỗ lực cải thiện khả năng đi lại của con người. Đặc biệt hơn, cả ba sản phẩm đều thể hiện được tính chất xanh, hướng tới cộng đồng “sạch, là điều vô cùng ấn tượng!

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.