>Đầu 2013 khởi công đường Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng
>Sau 1 tuần thông xe đường trên cao: Bộc lộ nhiều bất cập
Bắt đầu từ 7h sáng 14-11các phương tiện xe con, xe máy, xe buýt lưu thông theo hướng đường Lê Văn Lương - Láng Hạ và ngược lại qua khu vực nút giao thông Lê Văn Lương - đường Láng sẽ được ưu tiên đi trên cầu vượt.
Các phương tiện từ Ngã Tư Sở đi Cầu Giấy và ngược lại sẽ đi theo đèn tín hiệu, biển báo tại nút. Riêng xe tải, xe chuyên dùng, xe thô sơ, người đi bộ không đi lên cầu vượt.
Chiều qua việc thi công tại công trường cầu vượt Lê Văn Lương - Láng đã hoàn tất, mặt cầu vượt và các tuyến đường bên dưới đã thảm xong nhựa.
Đến 17h, các phần việc cuối cùng như lắp lan can, đèn chiếu sáng và cắm biển báo giao thông đã hoàn tất. Cùng các biển báo hướng dẫn giao thông, hai bên đầu cầu còn có biển báo hạn chế trọng tải xe dưới 3 tấn.
Đây cũng là những biển báo được cắm ở cầu vượt Tây Sơn và Láng Hạ để cấm xe tải, xe buýt. Tuy nhiên, tại cầu vượt Lê Văn Lương - Láng, xe buýt lại được đi qua; nhiều người dân sống gần nút giao thông Lê Văn Lương - Láng Hạ chiều qua đã tỏ ra băn khoăn về độ an toàn?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Sỹ Cường, Phó giám đốc Ban quản lý dự án giao thông 3 - Sở GTVT Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, tuy chỉ dành cho phương tiện có trọng tải nhẹ dưới 3 tấn lưu thông nhưng cầu vượt Lê Văn Lương - Láng được tính toán thiết kế cho cả tương lai để phục vụ hệ thống xe buýt nhanh BRT.
“Theo đó trọng tải dưới 3 tấn chỉ là thông số khi đưa cầu vào hoạt động, còn trọng tải thực của cầu là 18 tấn. Do vậy không chỉ bây giờ mà sau này có xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT) đi vào hoạt động cầu vẫn đảm bảo an toàn”, ông Cường nhấn mạnh.
Cầu vượt Lê Văn Lương - Láng được khởi công ngày 11-5 và hoàn thành ngày 11-11, tiến độ theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội nhằm giải tỏa ùn tắc tại nút giao thông Lê Văn Lương – Láng.
Cầu được thiết kế dạng dầm hộp thép, riêng mố cầu xây bằng bê tông cốt thép. Toàn cầu có chiều dài 315,1m, rộng 9 m (hai làn xe). Tổng mức đầu tư hơn 205 tỷ đồng.