Dư âm
Gần đây, trong nhóm Zalo nội bộ triển khai chương trình Ánh lửa từ trái tim, anh Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong nhắn: “Chị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang ở Trung tâm thương binh Đà Nẵng vừa gọi điện nói: Từ các bác thương binh đến cán bộ phục vụ, lái xe đều nức nở khen chương trình Ánh lửa từ trái tim rằng, chưa thấy chương trình nào dành cho họ lại chu đáo, tình cảm, sâu lắng và xúc động đến thế. Chúc mừng và cảm ơn mọi người nhé”. Đọc tin nhắn đó, 35 người trong nhóm thường trực thực hiện chương trình, ai cũng vui, “thả tim” liên hồi.
Những người tham gia thực hiện chương trình Ánh lửa từ trái tim 2 |
Chương trình Ánh lửa từ trái tim do báo Tiền Phong, Công ty cổ phần Him Lam, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đồng tổ chức, diễn ra từ ngày 22 đến 24/9/2023 tại Hà Nội. Chương trình mời hơn 100 thương binh nặng, đại diện cho 963 thương binh nặng (có tỷ lệ thương tật/mất sức lao động trên 81%, được nuôi dưỡng tại các trung tâm nuôi dưỡng thương binh trên cả nước) và gần 50 lãnh đạo, cán bộ, y bác sỹ chăm sóc thương binh về Hà Nội thăm Lăng Bác, thăm Hà Nội. Đây là lần thứ hai chương trình được tổ chức, sau lần thứ nhất vào năm 2017.
Lần này, Ban Tổ chức bố trí cho các bác thăm Lăng Bác với nghi thức dành cho những vị khách đặc biệt. Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đón các bác ở căn phòng thường đón nguyên thủ quốc gia, khách ngoại giao rồi mời các bác xem bộ phim tài liệu Những giờ phút cuối đời Bác Hồ, tặng các bác Huy hiệu Hồ Chí Minh. Đội nghi lễ tại Lăng làm thủ tục để các bác vào viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trang nghiêm, xúc động. Nhóm phóng viên của báo còn ghi lại được những hình ảnh rất đẹp khi các chiến sỹ bộ đội mặc lễ phục, giúp các bác thương binh lên xe.
Trước đó, các bác được bố trí đi tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng do Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) tài trợ. Nhìn các bác cười rạng rỡ, liên tục chụp hình, hoặc livestream (quay và phát video trực tiếp), chúng tôi, ai nấy đều vui. Hình ảnh đoàn những thương binh nặng nhất, ngực cơ man là huy chương, huy hiệu làm những người dân ven đường xúc động. Khách du lịch nước ngoài có lẽ chưa từng thấy cảnh này ở nước họ, vẫy tay chào liên hồi, nhiều người xin chụp ảnh cùng các bác.
Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn (mặc áo xanh nước biển) hội ý với các bác thương binh, nhóm thực hiện đêm giao lưu nghệ thuật |
Trong chuỗi hoạt động của chương trình, đêm giao lưu nghệ thuật Ánh lửa từ trái tim lần thứ 2 tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội tối 23/9 là quan trọng nhất. Nhiều quan khách đến từ các bộ ngành tham dự. Sinh viên đến vượt số lượng, hàng chục em phải ngồi dưới sàn. Chất lượng nghệ thuật của chương trình được đảm bảo bởi nhiều ca sĩ, giảng viên Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội và các nghệ sĩ múa của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Nhưng những tiết mục xúc động nhất là những câu chuyện, bài hát về chiến công ở chiến trường và cả trên giường bệnh của những thương binh. Lúc chú Nguyễn Thanh Hùng của Trung tâm điều dưỡng thương binh Bắc Giang, một người rất điển trai, chống nạng lên sân khấu hát bài “Vết chân tròn trên cát”, hội trường lặng ngắt. Nhiều người vỡ òa vì đã hiểu vì sao có vết chân lại hình tròn.
Chuyện hậu trường
Chương trình được lên ý tưởng từ nhiều năm trước nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Cuối tháng 8/2023, chỉ trước khi chương trình diễn ra một tháng, Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn gọi tôi, chị Trần Thu Hà - Trưởng Phòng Hành chính trị sự và anh Nguyễn Mạnh Tân - Kế toán trưởng của báo lên phòng thông báo, Công ty cổ phần Him Lam tài trợ cho chương trình và các bộ phận phải bắt tay làm việc ngay.
Là lãnh đạo ban Bạn đọc và công tác xã hội, tôi được giao làm Phó Ban thường trực của chương trình.
Tôi điều phối thành lập một tốp phóng viên của Ban Bạn đọc và công tác xã hội và nhóm Sản phẩm số đến ngay các trung tâm để khảo sát, chọn nhân vật giao lưu, hát trên sân khấu và làm video cho chương trình. Đó là tư liệu ngồn ngộn để Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn, người mà hầu như năm nào cũng đến thăm các trung tâm thương binh hoàn thiện kịch bản chương trình. Công tác hậu cần, tài chính và nhiều công tác khác nữa đã có chị Hà và anh Tân chỉ đạo trọn gói. Liên hệ với ca sỹ, người đẹp đã có nhà báo Toan Toan, phụ trách ban Văn nghệ chủ trì. Ban Thời sự liên hệ mời Transerco tài trợ toàn bộ xe buýt 2 tầng hiện có để chở các bác. Việc kêu gọi sinh viên các trường tham dự, phục vụ, biểu diễn văn nghệ... đã có ban Khoa giáo lo liệu. Đoàn Thanh niên của báo cũng cử đội quân hùng hậu để hỗ trợ các bác di chuyển, hỗ trợ đêm giao lưu. Rồi Phòng Quảng cáo Truyền thông ngày đêm hỗ trợ thiết kế phông bạt, sân khấu, tài liệu, giấy mời. Ban Thanh niên sẽ lo việc mời các cơ quan báo chí. Việc tuyên truyền trên báo được giao cho các bộ phận cụ thể làm trên cả báo điện tử và báo giấy.
Tác giả (đứng) cùng các bác thương binh trên xe buýt hai tầng thăm Hà Nội |
Công việc chạy phăm phăm. Việc họp hành cũng rất ít vì chủ yếu được trao đổi liên tục cả ngày, cả đêm trên nhóm Zalo. Vì thế, giữa thời gian chuẩn bị cho sự kiện này, tôi còn cùng Tổng Biên tập đi chuyến công tác dài ngày lên Cao Bằng, Hà Giang để khánh thành cầu, hệ thống nhà tắm và trao quà cho các bác thanh niên xung phong mà báo đã kêu gọi trước đó. Trong chuyến đi trên dằng dặc những ngọn núi đá cao vút từ Cao Bằng sang Mèo Vạc, Đồng Văn đó, Tổng Biên tập đã viết tuyến bài ghi chép dài kỳ mang tên “Cung đường biên giới” với rất nhiều câu chuyện, sự kiện mà chính những người được đi cùng, nghe, nhìn trực tiếp như chúng tôi cũng thấy mới lạ, hấp dẫn. Và như một cơ duyên, trong chuyến đi, chúng tôi được tặng lá cờ treo trên cột cờ Lũng Cú. Lá cờ rộng đúng 54 m2 đó đã được chúng tôi lên kế hoạch kéo tràn sân khấu đêm giao lưu nghệ thuật Ánh lửa từ trái tim.
Trong những ngày chương trình diễn ra, tốc độ công việc được đẩy lên cao. Một hai giờ sáng, nhóm Zalo thi thoảng vẫn có người nhắn tin. Tại khách sạn, nhiều anh chị em phòng Hành chính, Bạn đọc, Kế toán... thức thâu đêm để chuẩn bị phương tiện đi lại, phòng ngủ, bữa ăn và quà cho các bác. Những ngày này, ngoài nhiều công việc khác ở cơ quan, Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn vẫn xuất hiện dẫn các bác đi thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ăn cơm cùng các bác và kiêm luôn công việc của tổng đạo diễn, MC của đêm giao lưu nghệ thuật. Người Tiền Phong là vậy, hầu hết đều tự làm, làm nhiều và rất nhanh, làm trôi chảy, hiệu quả, chân thành.
Sáng 24/9, chúng tôi lại cùng ăn sáng và chia tay các bác về lại trung tâm. Những cái ôm, bắt tay bịn rịn, kéo dài. Các bác dặn: “Cố gắng làm thêm một lần nữa”. Vâng! Các bác đã “đi theo ánh lửa từ trái tim mình” để vượt dãy Trường Sơn cứu nước. Và chúng cháu cũng nguyện noi theo...
Những ngày chuẩn bị, anh Nguyễn Huy Thiêm, Giám đốc Truyền thông Công ty cổ phần Him Lam giúp chúng tôi xử lý toàn bộ vấn đề phát sinh liên quan đến vé máy bay, quà tặng so với thỏa thuận ban đầu. Hai ngày diễn ra chương trình, anh Thiêm và nhân viên đều tham dự đầy đủ. Cuối đêm giao lưu nghệ thuật ở Đại học Kinh tế quốc dân, anh Thiêm bắt tay chúng tôi nói: “Chương trình xúc động quá, xin cảm ơn anh chị em”. Các nhà tài trợ khác có mặt tại chương trình như Natrumax, TH true Milk cũng bày tỏ sự hài lòng.