Săn vé máy bay giá rẻ kiếm lời
> Tiếp viên khêu gợi... bán vé máy bay đắt hàng hơn?
> Hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cất cánh đến Buôn Ma Thuột
> TPHCM bay tới Buôn Ma Thuột chỉ 199.000 đồng
Bỏ công đặt vé giá rẻ trong các đợt khuyến mãi rồi bán lại đang là cách kiếm lời của những "thợ săn" lão luyện, nhất là khi các hãng còn lỏng lẻo về quy định khai báo thông tin cá nhân.
Những người cần bán lại giá rẻ 10.000 đồng cho người trùng tên rất nhiều. Ảnh chụp màn hình. |
Các hãng hàng không giá rẻ thường đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn như vé 0 đồng, 10.000 đồng, 199.000 đồng... nhằm khai thác tối đa số ghế trên mỗi chuyến bay. Đây là cơ hội cho nhiều người thực hiện ước mơ du lịch giá rẻ, nhưng cũng là kênh kiếm lời nếu biết tận dụng.
"Mình có vé 10.000 đồng của Vietjet Air muốn bán lại cho ai trùng tên. Mình có các chặng Sài Gòn ra Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng vào các tháng 3, 4, 6, 8 năm nay. Liên hệ qua số điện thoại...", một người đăng quảng cáo trên trang web rao vặt cho hay. Hiện có vài chục thông tin rao bán loại vé 10.000 đồng cho các chặng bay như vậy hiển thị trên Internet.
Với mỗi vé máy bay siêu rẻ này, người bán có thể lãi vài trăm nghìn đồng tùy chặng. Như vé Sài Gòn - Hà Nội được chủ vé mua 10.000 đồng nhưng bán lại với giá 300.000 - 400.000 đồng. Trong khi đó giá thực hiện nay của Vietjet Air ở chặng này có thể lên đến 1,5 triệu một vé.
Những lời quảng cáo như vậy không khó tìm trên các trang rao vặt online. Người bán thường cho biết đầy đủ chặng bay, giờ bay cụ thể và tên ghi trên vé, tìm kiếm người cùng tên có nhu cầu bay. Nếu người mua và người bán trùng tên (họ, tên và chữ đệm), chiếc vé sẽ được đổi chủ một cách dễ dàng. Bởi vé đặt online chỉ yêu cầu khai tên, không cần số CMND, ngày tháng năm sinh.
Có trang web còn đưa ra hẳn một form mẫu thông tin để mọi người điền vào, rồi hướng dẫn cách thức săn vé kiếm lời. "Tên các bạn không cần trùng Tiếng Việt có dấu, tức là tên Tiếng Việt đọc lên khác nhau nhưng nếu viết kiểu không dấu giống nhau thì vẫn bay được. Ví dụ: Lê Viết Dũng và Lê Việt Dũng là hai tên khác nhau, viết không dấu là Le Viet Dung, vẫn chấp nhận", admin của trang chỉ dẫn.
Trao đổi với PV, các hãng hàng không đều cho rằng, về nguyên tắc, dùng vé mang tên của người khác để di chuyển là không đúng. Theo quy định, vé giá rẻ, siêu rẻ không được đổi tên.
"Nếu phát hiện, hãng có quyền từ chối vận chuyển ngay tại sân bay", đại diện một hãng hàng không trong nước khẳng định.
Vị đại diện cho biết, xác suất chuyển nhượng lại cho người trùng cả tên họ, tên đệm rất ít và thời gian qua chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Theo đại diện một hãng hành không giá rẻ khác, mua bán vé máy bay giá rẻ trùng tên là đi ngược lại với tiêu chí của hãng. Điều này sẽ kéo theo những hệ lụy tiêu cực khác nếu một người bay với vé không phải là của mình.
Tuy nhiên, các hãng thừa nhận khó bắt được những trường hợp này. Chỉ khi xảy ra sự cố, trục trặc về lịch bay, nhân viên yêu cầu khách cung cấp các thông tin rõ hơn như: email, số điện thoại, thời gian đặt vé, địa chỉ IP máy tính truy cập..., mới phát hiện đó có phải là người chủ trực tiếp của tấm vé.
Dù xác nhận hiện tượng mua đi bán lại là sai, nhiều hãng hiện chưa có quy định bắt buộc khách phải ghi đầy đủ thông tin hơn. Vì yêu cầu khách ghi số CMND khi đặt vé online có thể khiến nhiều người khó chịu, mất thời gian bởi không phải ai cũng nhớ. Ngoài ra, nó cũng không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, kiểm tra an ninh của hãng.
Theo Kiên Cường
VnExpress