Sân sau 'cộng sinh' với quan chức?

Tòa nhà 8B Lê Trực xây dựng sai phạm bị cắt nóc và tạm dừng thi công - Ảnh: Hồng vĩnh
Tòa nhà 8B Lê Trực xây dựng sai phạm bị cắt nóc và tạm dừng thi công - Ảnh: Hồng vĩnh
TP - “Cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau cùng cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền? Theo đó, lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích chọn phương án chỉ định thay cho đấu giá quyền sử dụng đất?”, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt nêu vấn đề.

1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch

Ngày 27/5, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị giai đoạn 2013 - 2018. Qua thực tế giám sát, đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã chỉ ra nhiều bất cập trong quá trình sử dụng đất đô thị. Đáng chú ý, nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích người dân. Điển hình như dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội), chủ đầu tư không làm theo giấy phép, không giật cấp ở một số tầng, tự ý tăng chiều cao các tầng.

Cũng theo đoàn giám sát, hiện cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến 6 lần, cá biệt có dự án điều chỉnh tới 9 lần. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại. Đoàn giám sát cho rằng, hiện tượng tắc nghẽn giao thông tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM xuất phát từ sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Bên cạnh đó, đoàn giám sát còn chỉ ra tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng. Điển hình là một số khu vực như Đầm Bông, Đầm Sòi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được quy hoạch là đất cây xanh, nhưng thực tế lại mọc lên các khu dân cư. Nhiều dự án đô thị chậm tiến độ; một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, trì hoãn bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch.

Ông Vũ Hồng Thanh nói, phần lớn các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) là chỉ định thầu, không thông qua đấu thầu, tạo kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước. Theo báo cáo từ các địa phương, có tới một nửa số dự án BT được thanh toán bằng quỹ đất, nhưng lại chưa rõ ràng trong phương pháp, thời điểm xác định giá trị quỹ đất. Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép, sử dụng đất sai mục đích như tại một số khu đất tại quận Hải An (Hải Phòng), thành phố Nha Trang (Khánh Hoà)...

Nhiều tỷ phú ôm “đất vàng, đất kim cương”

Tại phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chỉ ra hàng loạt bất cập trong công tác lập quy hoạch, sử dụng đất đô thị. Theo ông có những khu vực quy hoạch rồi, nhưng do chi phối của doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo địa phương làm cho quy hoạch thay đổi, gây bức xúc trong nhân dân, làm đô thị bị ách tắc, cảnh quan bị phá vỡ. Ông Phương đề nghị Chính phủ, bộ ngành, địa phương rà soát lại các dự án giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch; đồng thời thu hồi các dự án có khả năng tổ chức đấu thầu công khai, đảm bảo cho việc cạnh tranh trong việc xác định giá đất.

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đánh giá chất lượng các quy hoạch không những thấp mà còn có dấu hiệu chạy theo nhiệm kỳ, phá nát quy hoạch ban đầu. Không những thế, nhiều nơi còn tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết gây ra nhiều hệ lụy, hiệu ứng tiêu cực. Những quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng, lợi ích của người sử dụng, như tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ, tăng mật độ xây dựng giảm mật độ cây xanh. Cũng theo ĐB Vượt, điều đáng suy ngẫm là nhiều tỷ phú “ôm” nhiều “đất vàng, đất kim cương” tại các khu đất đô thị, đồng thời thâu tóm hàng ngàn héc ta đất màu mỡ khác chờ thời. Các dự án này cũng là tài sản thế chấp ngân hàng mà thực chất giá trị từ đất là doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm, không được tính vào giá trị doanh nghiệp.

“Cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau cùng cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền? Theo đó, lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích chọn phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, lợi dụng cơ chế “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong định giá đất, quyết định giá đất có nơi rẻ như bèo để cổ phần hóa doanh nghiệp, làm thiệt hại lớn đến lợi ích nhà nước, nhân dân, tác động tiêu cực không nhỏ đến các doanh nghiệp có tâm, có tầm, có tín”, ông Vượt nêu.

Cũng tại phiên thảo luận, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, Chính phủ cần rà soát lại các dự án treo, quy hoạch không thực hiện để xử lí dứt điểm, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đây cũng là vấn đề rất bức xúc liên quan đến quy hoạch đất từ Trung ương đến địa phương và người dân ở vùng đất quy hoạch này không an cư được, thậm chí mua bán chuyển nhượng nhà cũng khó khăn, mất giá. Ông Hàm ví dụ, có dự án như khu Bình Quới, Thanh Đa (TP HCM) liên quan đến gần 4.000 hộ dân, gần 15.000 nhân khẩu có chủ trương quy hoạch từ năm 1992, nhưng đến nay đã 27 năm chưa thực hiện.

Nhiều dự án đô thị triển khai chậm tiến độ, một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, trì hoãn bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để chờ khi có điều kiện mới thực hiện hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, như dự án xây dựng trường mầm non Vạn Xuân (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội), dự án Phòng khám đa khoa và khu chăm sóc sức khỏe người già tại lô đất CC1.III.11.4 thuộc khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội), dự án Khu tổ hợp dịch vụ văn phòng bán đảo Linh Đàm tại lô CC2 (mảnh A) tại Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội)…

Dự án tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng ở hồ Linh Đàm (Hà Nội) điều chỉnh chỉ tiêu mật độ xây dựng từ 24,6% lên gần 40%, tầng cao trung bình từ 20,33 tầng lên tối đa 40 tầng.

MỚI - NÓNG