Sản phụ hôn mê, nguy kịch vì 'bệnh hiểm' làm vết mổ đẻ nhiễm trùng không lành sau 3 tuần

0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh chị T và con trai xinh đẹp, khỏe khoắn sau 3 tháng xuất viện. Ảnh: BS cung cấp
Hình ảnh chị T và con trai xinh đẹp, khỏe khoắn sau 3 tháng xuất viện. Ảnh: BS cung cấp
TPO - Với sự hợp lực của các chuyên khoa đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai, sau gần 4 tháng chiến đấu cùng tử thần giành giật sự sống, chị T đã được trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình và các thầy thuốc.

Chị T là bệnh nhân nữ, 20 tuổi, tiền sử đã được chẩn đoán Lupus ban đỏ hệ thống cách đây 8 năm. Trong thời gian vẫn đang điều trị bệnh, chị T mang bầu và được mổ đẻ ở một bệnh viện miền núi. Sau mổ, do bệnh nền Lupus nặng, chuyển đợt cấp, vết mổ của chị T chẳng thể lành.

Một ngày đầu năm 2021, bệnh nhân được chuyển tới Khoa cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, vết mổ thành bụng chảy dịch mủ. Ngay sau đó, bệnh nhân diễn biến xấu, lơ mơ, suy hô hấp, tràn dịch đa màng, được chẩn đoán: sock nhiễm trùng, theo dõi do áp xe tồn dư sau mổ lấy thai 3 tuần - đợt cấp lupus ban đỏ hệ thống - suy tim - suy thận. Bệnh nhân nhanh chóng được xử lý đặt ống nội khí quản, an thần thở máy, dùng kháng sinh kiểm soát nhiễm khuẩn.

Nhận định đây là trường hợp nặng, bệnh nhân còn trẻ, diễn biến nhanh chóng, bệnh lý nền phức tạp, tổn thương đa cơ quan, chiều cùng ngày, các chuyên khoa Hồi sức tích cực, Sản phụ khoa, Ngoại tổng hợp, Dị ứng miễn dịch được mời hội chẩn cho ý kiến điều trị. Dựa trên xét nghiệm, phim chụp và tình trạng bệnh nhân, chỉ định mổ cấp cứu được quyết định nhanh chóng để cắt bỏ tử cung và làm sạch ổ bụng, loại bỏ ổ nhiễm trùng. Khó khăn chồng chất khi tình trạng shock trên đợt cấp Lupus, biểu hiện suy thận, suy tim nặng.

Sau mổ, nhờ sự nỗ lực, tận tâm của ekip phẫu thuật và gây mê hồi sức, triệu chứng nhiễm trùng của bệnh nhân cải thiện. Bệnh nhân được tiếp tục an thần thở máy và tiến hành thêm một số lần thay huyết tương đồng thời nuôi dưỡng tĩnh mạch, điều trị kháng sinh, điều trị đợt cấp Lupus. Rất may, các chỉ số sinh tồn và xét nghiệm của bệnh nhân cải thiện dần sau 2 tuần.

Đánh giá về trường hợp này, tập thể các y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực cho biết: khi tiếp nhận những trường hợp nặng như này, việc tiên lượng, đánh giá đúng tình trạng của bệnh nhân, khẩn trương đưa ra phương án xử trí kịp thời, hợp lý, có sự phối hợp nhịp nhàng, đúng lúc của các chuyên khoa khi cần là điều kiện tiên quyết để cứu sống bệnh nhân. Và các bác sĩ cũng thổ lộ họ không thể làm tốt công việc nếu thiếu sự chuyên nghiệp, tận tình chăm sóc toàn diện của các điều dưỡng trong khoa.

Sau tháng rưỡi nằm thở máy, bệnh nhân tỉnh, được rút ống trong sự vui mừng của các bác sĩ khoa hồi sức và được chuyển khoa Dị ứng miễn dịch điều trị tiếp. Tuy đã qua cơn nguy cấp nhưng thể trạng suy kiệt, tình trạng Lupus vẫn diễn biến nặng, vết mổ thành bụng vẫn toác rộng, không liền được.

Sau tháng rưỡi nữa điều trị Lupus tích cực, bệnh nhân được chuyển lên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ để điều trị vết toác thành bụng. Tại đây, bệnh nhân được bồi phụ dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và chăm sóc tại chỗ vết mổ rồi ghép da.

Đến cuối tháng 4, vết mổ liền, thể trạng bệnh nhân cải thiện, bệnh nhân tự đứng dậy đi lại được. Bệnh nhân được ra viện về đoàn tụ với gia đình sau gần 4 tháng thập tử nhất sinh ở bệnh viện. Trong thành công này, cũng phải kể đến các bác sĩ, kỹ thuật viên khoa phục hồi chức năng luôn đồng hành trong việc chăm sóc, chống nhiễm trùng phổi, chống loét, chống cứng khớp…để bệnh nhân không nặng hơn và không để lại di chứng khi ra viện.

TS.BS. Phạm Thị Việt Dung - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Bạch Mai, khoa cuối cùng tiếp nhận và điều trị cho đến khi bệnh nhân ra viện chia sẻ: khi chuyển đến khoa, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân đã được kiểm soát nhưng vết mổ thành bụng của bệnh nhân vẫn toác rộng trong khi bình thường tổn thương da ở bệnh lý Lupus đã cực kỳ khó liền. Nhìn cô bệnh nhân gầy mòn, suy kiệt, còn chưa đầy 30kg nằm thoi thóp trên giường bệnh trong khi chồng hồ sơ bệnh án nặng đến cả chục kg, bác sĩ Dung và các bác sĩ trong khoa không khỏi ái ngại. Nếu không điều trị lành thương được thì bệnh nhân lại có thể rơi vào tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, shock bất cứ lúc nào. Do đó, các bác sĩ khoa tạo hình thẩm mỹ đặt ra mục tiêu nhanh chóng, tích cực chăm sóc điều trị cho bệnh nhân ra viện sớm nhất. Ngày bệnh nhân ra viện, người nhà bệnh nhân gặp bác sĩ xúc động kể chuyện đã qua: Đã có lúc gia đình chuẩn bị đưa bệnh nhân về lo hậu sự, nhưng trời run rủi thế nào lại quyết định để bệnh nhân lại, còn nước còn tát. Không ngờ, lại có được ngày hôm nay.

Góp chung sức cùng với các chuyên khoa khác đã nỗ lực cứu sống bệnh nhân qua tình trạng nguy kịch trong suốt gần 4 tháng qua, bác sĩ Dung thấy rất tự hào khi được làm việc tại BV Bạch Mai nơi việc hội chẩn, phối hợp đa chuyên khoa cùng lúc được thực hiện thường xuyên nhanh chóng, hiệu quả đem lại kết quả tuyệt diệu trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân nặng. Đây cũng là niềm tự hào của các bác sĩ và điều dưỡng khi làm việc tại đây.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.