Samsung hợp tác cùng Bộ Công Thương phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 22/2, tại trụ sở Bộ Công Thương, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Tổ hợp Samsung Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Nhà máy thông minh giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam.

Theo đại diện Cục Công nghiệp, đại dịch COVID-19 vừa qua đã thúc đẩy nhanh một số xu hướng như tự động hóa, rô bốt hóa và chuyển đổi số nhằm hướng đến tương lai của chuỗi cung ứng là số hóa và tự vận hành.

Do vậy, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Bộ Công Thương đặt ra trong thời gian tới là hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam hiểu đúng, làm đúng, triển khai tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng bền vững thông qua các biện pháp chuyển đổi số.

Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh tại Việt Nam giữa Tổ hợp Samsung Việt Nam và Bộ Công Thương có mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng Nhà máy thông minh trong 2 năm (2022 – 2023) nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp, đặc biệt là nâng cao khả năng sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Samsung hợp tác cùng Bộ Công Thương phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam ảnh 1

Tham gia chương trình, các tư vấn viên sẽ được đào tạo trong 12 tuần (bao gồm 3 tuần học lý thuyết và 9 tuần học thực hành) nhằm nâng cao kiến ​​thức cũng như kỹ năng thiết lập nhà máy thông minh.

Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh là chương trình mới nhất nằm trong chuỗi các hoạt động tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam và đào tạo chuyên gia Việt Nam nhằm nhân rộng hiệu quả, củng cố sức mạnh tổng hợp và tiếp tục tăng cường các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương phối hợp với Samsung triển khai.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Dự án hợp tác là một chương trình đào tạo bài bản, thiết thực và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng tầm nền công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi kỳ vọng các học viên và doanh nghiệp tham gia dự án sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích cũng như những kỹ năng cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.”

“Dự án sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực lên một tầm cao mới. Chúng tôi kính đề nghị chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm và có những hỗ trợ về mặt chính sách để các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh sau khi được đào tạo sẽ có cơ hội đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam”, Ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết.

Samsung hợp tác cùng Bộ Công Thương phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam ảnh 2

Từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn 2018-2021, Bộ Công Thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp chế biến chế tạo nói chung và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng, giải pháp nhà máy thông minh giúp các doanh nghiệp cải thiện quy trình sản xuất, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.