Sai phạm tại chùa Khúc Thủy: Địa phương làm ngơ, nhà chùa cố ý?

Dù xã yêu cầu dừng thi công từ cuối năm 2016, tuy nhiên nhà chùa tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công trình xây mới. Ảnh: Kỳ Sơn.
Dù xã yêu cầu dừng thi công từ cuối năm 2016, tuy nhiên nhà chùa tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công trình xây mới. Ảnh: Kỳ Sơn.
TP - Sau hai bài phản ánh trên báo Tiền Phong 27/10 và 3/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội gửi công văn giải thích sai phạm tại di tích quốc gia chùa Khúc Thủy.

XÂY MỚI LẤN DI TÍCH

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội ký công văn ngày 3/11 gửi Bộ VHTT&DL, UBND Thành phố Hà Nội, báo Tiền Phong để làm rõ thêm quá trình quản lý, xây dựng tại di tích quốc gia chùa Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Ngày 30/10, Cục Di sản Văn hóa có công văn về việc kiểm tra việc tu bổ chùa Khúc Thủy trong đó “lưu ý việc xây dựng công trình và đưa mới hiện vật vào khu vực bảo vệ, làm ảnh hưởng đến giá trị di tích”.

Trước thông tin sai phạm mà phóng viên ghi nhận tại hiện trường, lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cho biết hiện trạng di tích: Khuôn viên chùa đang xây dựng và hoàn thiện ba tòa nhà ba tầng, tại lối đi và sân chùa có nhiều bệ đá và nhiều tượng phật sơn màu vàng chói, phía trước có gắn biển tên người công đức. Được biết số tượng này do người dân cung tiến dịp 1.000 năm Thăng Long. Khu đất bên phải chùa có nhiều am đá nhỏ đặt trên bệ gạch rỗng, mặt trong tường bao chùa che rèm vải. Nhiều pho tượng trong chùa được sơn thếp màu giả cổ.

Theo lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội, căn cứ hồ sơ xếp hạng di tích cho thấy các khối nhà xây dựng nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, các hạng mục kiến trúc tại thời điểm lập hồ sơ xếp hạng vẫn tồn tại Tam quan, Chùa chính, nhà Tổ, bia, tháp mộ. Tuy nhiên, nhà chùa cũng tự ý đưa vào gần 100 pho tượng phật sơn màu vàng, đỏ có gắn tên người công đức, một tượng Phật đá trắng và đôi sư tử đá phía tiền đường, sân bên phải chùa có 51 am đá. PGS.TS Trần Lâm Biền khảo sát tại chùa Khúc Thủy đánh giá: Điều may mắn nhất là khu vực xây dựng nằm ngoài phần bảo vệ của di tích gốc, tuy nhiên ngay trong phần bảo vệ cấp 1 cũng có nhiều hạng mục bị xáo trộn và cần điều chỉnh.

TẮC TRÁCH

Ngôi chùa xếp hạng di tích quốc gia bị cơi nới lấn át di tích gốc nhưng sau nhiều năm mới được phát hiện. Theo báo cáo của Sở VHTT Hà Nội trong suốt quá trình tu bổ, xây dựng chùa tới tận tháng 10/2016 đại diện Sở mới phối hợp với phòng ban chức năng thuộc huyện Thanh Oai kiểm tra hiện trạng di tích, khi đó mới phát hiện một loạt sự việc như ba tòa nhà mới xây, nhiều tượng phật sơn màu chói lóa được đặt trong sân và lối đi. Báo cáo của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai ngày 25/10/2016 chỉ ra rằng “nhà chùa tự ý xây dựng mới hạng mục nhà tăng trong khuôn viên di tích và đề nghị xã Cự Khê có biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả và xử lý vi phạm nêu trên trả lại mặt bằng vốn có của di tích”.

Tuy thế, tới 28/7/2017 Sở VHTT Hà Nội tiếp tục kiểm tra và các sai phạm này không những không được khắc phục mà nhà chùa vẫn cho xây dựng và hoàn thiện hai trong ba khối nhà. Sở cũng gửi công văn đề nghị UBND huyện Thanh Oai báo cáo và di dời một số pho tượng, vật kiến trúc không có tại thời điểm xếp hạng ra khỏi di tích trước 15/9. Thực tế cho tới thời điểm này hầu như địa phương chưa khắc phục được những yêu cầu kể trên.

Chủ tịch UBND xã Cự Khê (từ 2016) Đặng Anh Phương cho biết từ khi tiếp quản, chưa tìm thấy hồ sơ gốc của di tích. Nhà chùa từng hai lần xin kinh phí tu bổ di tích gồm 100 triệu đồng năm 1998 trùng tu gian Tam bảo, năm 2003 xin được 50 triệu đồng sửa nhà Tổ. “Thực trạng sai phạm hiện nay là hậu quả từ trước nên tôi không nắm rõ, tôi đang gấp rút làm đúng thủ tục”, ông Phương nói. Ông cho rằng từ cuối 2016 xã quyết định tạm đình chỉ thi công hai dãy nhà tăng phía sau chùa, tuy nhiên nhà chùa vẫn tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hai tòa nhà, xã có nhắc nhở nhưng không hiệu quả.

Ông Vũ Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Cự Khê (2013-2016) khẳng định chưa nhận được bất kỳ văn bản xin phép hay báo cáo nào của nhà chùa trong giai đoạn này. Ông cho rằng do phần xây dựng nằm ngoài diện tích ban đầu của di tích nên nhà chùa không có báo cáo bằng văn bản. Thực tế xã Cự Khê làm ngơ cho nhà chùa suốt quá trình xây dựng, chỉ quyết liệt kể từ khi có văn bản chỉ đạo của Sở VHTT Hà Nội. Đây không phải trường hợp đầu tiên các di tích quốc gia ở Hà Nội áp dụng chiêu “tiền trảm hậu tấu”: Trụ trì chùa Trăm Gian cũng từng khóc xin lỗi vì tự ý huy động kinh phí tu bổ chùa khi chưa được phép, trong khi đó cán bộ phụ trách quản lý di tích quốc gia ở địa phương thường rơi vào nể nang, chưa làm hết trách nhiệm.

Cuối tuần qua, lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội tiếp tục kiểm tra di tích chùa Khúc Thủy. Trước đó, Sở chỉ đạo địa phương thực hiện một số giải pháp trước mắt để sửa sai như: Cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích để ngăn cách phần chùa cổ và khu vực xây mới, vận động nhà chùa và nhân dân đưa những pho tượng, đôi sư tử đá, thảm trải nền nhà, rèm trang trí ra khỏi khu vực bảo vệ di tích. Được biết, chính quyền địa phương phối hợp nhà chùa bố trí khu vực để chuyển gần 100 bức tượng do dân công đức.

MỚI - NÓNG