Hà Nội:

Sai phạm sử dụng nhà chuyên dùng trên 'đất vàng', chuyển công an điều tra phải xử lý hình sự

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn Thủ đô thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhiều trường hợp sai phạm. Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo TP Hà Nội đưa ra loạt giải pháp khắc phục, trong đó yêu cầu đối với các trường vi phạm phải xử lý hình sự thì chuyển Công an TP điều tra, xử lý đối với tổ chức, cá nhân theo quy định.  

Thu hồi quỹ nhà chuyên dùng trên 'đất vàng' sử dụng sai

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 297 khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, trụ sở làm việc và các mục đích khác không phải để ở trên địa bàn TP (quỹ nhà chuyên dùng).

Đây là quỹ nhà chủ yếu được xác lập khi thực hiện chính sách cải tạo nhà cửa của nhà nước những năm 1960 và một phần quỹ nhà được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Sai phạm sử dụng nhà chuyên dùng trên 'đất vàng', chuyển công an điều tra phải xử lý hình sự ảnh 1

Việc quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn Thủ đô thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhiều trường hợp sai phạm. Trong ảnh: Cơ sở nhà đất số nhà 36 Bà Triệu được Cty Xuất nhập khẩu tạp phẩm thuê nhưng sau đó đã cải tạo, xây dựng trái phép. Hiện có 3 cửa hàng kinh doanh trên mặt tiền phố Bà Triệu. Hợp đồng thuê nhà ký với Cty Xuất nhập khẩu tạp phẩm đã hết hiệu lực, Cty đang nợ tiền thuê… Ảnh: Ninh Phan.

Theo UBND TP, quỹ nhà chuyên dùng toàn TP còn 838 địa điểm với 178.148m2 diện tích nhà và 155.156m2 diện tích đất, chủ yếu tập trung tại 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa) do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê.

Các địa điểm còn lại do UBND quận Hà Đông, UBND thị xã Sơn Tây và Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Dịch vụ nhà Hà Nội quản lý, sử dụng cho thuê.

UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng được triển khai theo đúng quy định pháp luật, góp phần tăng thu ngân sách hằng năm của địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thời gian dài, nhiều trường hợp sai phạm phải xử lý theo quy định pháp luật. Hiệu quả sử dụng, hiệu quả kinh tế thấp và không tương xứng với giá trị cũng như số lượng nhà đất.

Do đó, để khắc phục các hạn chế, tồn tại cũng như nhằm khai thác có hiệu quả quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn, UBND TP Hà Nội yêu cầu hàng loạt nội dung, biện pháp khắc phục.

Một là, rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng của TP, bảo đảm quản lý đồng bộ, chặt chẽ, sử dụng hiệu quả.

Trong đó, giao Sở Xây dựng rà soát lại bảng giá cho thuê; phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND TP sửa đổi, bổ sung Quyết định số 32 ngày 12/11/2012 của UBND TP về quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP; rà soát lại bảng giá cho thuê nhà chuyên dùng bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành và yêu cầu thực tế quản lý, sử dụng…

Hai là, tăng cường công tác quản lý, kiên quyết thu hồi để xử lý theo quy định các địa điểm nhà chuyên dùng sử dụng không đúng quy định, nợ đọng nghĩa vụ tài chính về nhà, đất kéo dài.

UBND TP giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính chủ trì cùng Công an TP, Thanh tra TP, Cục Thuế TP, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã (nơi có nhà, đất) tổ chức xử lý vi phạm, thu hồi lại các địa điểm nhà chuyên dùng sử dụng không đúng quy định hoàn thành trong năm 2023.

Đồng thời, tổ chức truy thu toàn bộ các khoản nghĩa vụ tài chính do các tổ chức, cá nhân còn nợ đọng; lập hồ sơ xử lý đối với các trường hợp chây ì.

Chuyển Công an điều tra những vi phạm phải xử lý hình sự

Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, chuyên đề và đột xuất việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của thành phố để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm.

Trong đó, giao Sở Tài chính chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định về giá cho thuê nhà chuyên dùng; Giám sát việc quản lý và sử dụng tiền thuê, bán nhà chuyên dùng, việc thực hiện chế độ hạch toán thu chi tài chính, chế độ báo cáo tài chính của đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh nhà được giao quản lý, khai thác quỹ nhà chuyên dùng quỹ TP.

Trong quá trình thực hiện các nội dung trên, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm thì các Sở, ngành phải làm rõ trách nhiệm; tùy theo mức độ vi phạm, các Sở, ngành xử lý trách nhiệm hoặc đề xuất xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân, vi phạm, để xảy ra vi phạm, trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định.

Đặc biệt, đối với các trường hợp vi phạm phải xử lý hình sự thì chuyển Công an TP điều tra, xử lý đối với tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Sai phạm sử dụng nhà chuyên dùng trên 'đất vàng', chuyển công an điều tra phải xử lý hình sự ảnh 2
Tại 88 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) hiện kinh doanh bar, vũ trường thay vì là rạp chiếu phim Mê Linh. Ảnh: Trường Phong.

Như Tiền Phong thông tin, tại TP Hà Nội, hàng loạt cơ sở nhà, đất công (thuộc quỹ nhà chuyên dùng) bị sử dụng sai quy định, sai mục đích, thậm chí bị chiếm dụng, không xác định được người thuê. Thực trạng này gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước nghiêm trọng.

Đơn cử, trường hợp Cty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội (Cty Điện ảnh Hà Nội) được UBND TP cho thuê loạt nhà, đất để sử dụng làm cơ sở chiếu phim và các dịch vụ văn hoá nhưng các địa điểm này đều bị cho thuê lại và sử dụng sai mục đích.

Theo đó, Rạp chiếu phim Mê Linh tại địa chỉ 88 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) không còn dùng để chiếu phim mà thay vào đó là hoạt động kinh doanh quán bar, vũ trường; Rạp Dân Chủ tại 211 Khâm Thiên (quận Đống Đa), cách đây vài năm có hoạt động cải tạo, sau đó trở thành nơi buôn bán của một siêu thị điện máy khá lớn; Rạp chiếu phim Bạch Mai, địa chỉ 437 Bạch Mai, hiện là cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhanh, kinh doanh hoạt động bi-a…

Ngoài ra, Cty Điện ảnh Hà Nội thuê của Nhà nước hai cơ sở nhà đất phải trả tiền thuê nhà và thuê đất hằng năm gồm: Trụ sở Cty và cụm Rạp Tháng 8 tại số 45 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm); Cơ sở nhà, đất tại 57 Cửa Nam (rạp Kinh Đô, quận Hoàn Kiếm).

Đáng chú ý, theo báo cáo đến cuối năm 2021, Cty Điện ảnh Hà Nội đã nợ Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội hơn 67,7 tỷ đồng và nợ nhà nước gần 8,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại tòa N01, ngõ 84 phố Chùa Láng, toàn bộ khu vực kinh doanh dịch vụ tòa nhà này đã bị các hộ dân chiếm dụng kinh doanh từ năm 2016. Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội không xác định được đối tượng thuê và không thu được tiền thuê từ diện tích này.

Hay tại số nhà 36 Bà Triệu thuộc quỹ nhà chuyên dùng đã được Cty Xuất nhập khẩu tạp phẩm thuê nhưng sau đó đã cải tạo, xây dựng trái phép. Hiện có 3 cửa hàng kinh doanh trên mặt tiền phố Bà Triệu, phía sau cửa hàng là nhà của các hộ dân sinh sống. Hợp đồng thuê nhà ký với Cty Xuất nhập khẩu tạp phẩm đã hết hiệu lực, Cty đang nợ tiền thuê…

Cùng với đó, khá nhiều địa điểm nhà đất có vị trí, lợi thế thương mại giá trị cao không đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả lại đóng cửa, không kinh doanh khai thác, trong đó có nhiều địa điểm nhà riêng lẻ và nhiều địa điểm thuộc diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 tại các toà nhà chung cư tái định cư, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội…

MỚI - NÓNG