Sài Gòn phát triển theo mô hình chùm đô thị

Sài Gòn phát triển theo mô hình chùm đô thị
Bên cạnh 13 quận nội thành cũ và 3 huyện nông thôn, TP HCM định hướng sẽ xây dựng 4 thành phố vệ tinh ở phía Đông, Tây, Nam, Bắc có các chức năng phát triển khác nhau với mô hình "thành phố trong thành phố".

> Đề xuất mô hình chính quyền đô thị
> Tám địa phương báo cáo thí điểm tổ chức chính quyền đô thị

Thành phố Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức với trung tâm là Khu đô thị Thủ Thiêm, có định hướng phát triển các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao. Ảnh: H.C
Thành phố Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức với trung tâm là Khu đô thị Thủ Thiêm, có định hướng phát triển các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao. Ảnh: H.C.

Theo UBND TP HCM, với mức độ đô thị hóa như hiện nay TP HCM sẽ hình thành và phát triển theo hướng chia thành 3 địa bàn gồm: khu đã đô thị hóa, khu đang đô thị hóa và khu nông thôn trong đô thị. Bộ máy chính quyền đô thị có thể được tổ chức thành 2 cấp chính quyền hoàn chỉnh là cấp TP HCM và cấp 4 thành phố vệ tinh trực thuộc TP HCM.

Với địa bàn đã đô thị hóa là 13 quận nội thành cũ (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú) có đặc điểm là phát triển tự phát, không được quy hoạch (trừ một phần quận 1, 3 và 5) sẽ được chỉnh trang, điều tiết lại dân cư, phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị theo hướng văn minh hiện đại.

Ở các địa bàn này chưa tổ chức thành cấp chính quyền đô thị trực thuộc trong suốt thời gian quá độ thực hiện mục tiêu quy hoạch, chỉnh trang và bố trí lại dân cư.

Chính quyền đô thị cấp TP HCM sẽ tập trung và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quy hoạch trên toàn bộ khu vực này. Sau khi hoàn thành định hướng (10-15 năm) sẽ được tổ chức lại các đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền đô thị.

Còn với địa bàn đang đô thị hóa (quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và 2 huyện Hóc Môn và Nhà Bè), dự kiến sẽ tổ chức thành 4 khu đô thị (hoặc gọi là thành phố) gồm Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi khu đô thị là một cấp chính quyền đô thị, trực thuộc chính quyền TP HCM.

Trong đó, khu đô thị Đông (thành phố Đông) gồm quận 2, 9 và Thủ Đức (diện tích 211 km) có trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm và giáp với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai (đường vành đai 2), sẽ phát triển dựa trên 2 bờ sông Đồng Nai và Sài Gòn.

Thành phố này sẽ có chức năng chính là phát triển các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao. Khu đô thị này có quy mô gấp 1,5 lần so với khu đô thị cũ (13 quận nội thành).

Khu đô thị Nam (thành phố Nam) gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè và điều chỉnh một phần diện tích của quận 8 (phần phía nam kênh Tẻ) và huyện Bình Chánh với diện tích 194 km2. Khu vực này sẽ phát triển dựa trên sông Nhà Bè và Xoài Rạp.

Nòng cốt để phát triển là khu đô thị Nam Sài Gòn có diện tích 29 km2, thị trấn Nhà Bè và khu đô thị Cảng Hiệp Phước. Cơ sở kinh tế để phát triển là dịch vụ cảng, gắn liền với các thương mại khác.

Theo UBND TP HCM, do đặc điểm của huyện Nhà Bè, quá trình đô thị hóa có thể diễn ra trong thời gian rất dài nên trong mô hình tổ chức khu đô thị Nam có thể duy trì một số xã nông thôn, song được đầu tư phát triển như một phần bổ sung về mặt sinh thái cho cả khu đô thị Nam.

Khu đô thị Bắc (hay thành phố Bắc) sẽ gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn có diện tích 149 km2. Chức năng kinh tế của khu đô thị này là phát triển dịch vụ, sinh thái gắn với nông nghiệp kỹ thuật cao (cây cảnh, hoa, cá cảnh...), phát triển các khu dân cư phục vụ cho việc giãn dân, chỉnh trang đô thị khu vực Gò Vấp, Tân Bình.

Cuối cùng là khu đô thị Tây gồm quận Bình Tân hiện nay, một phần quận 8 và một phần huyện Bình Chánh với diện tích 191 km2. Theo quy hoạch đây sẽ là đầu mối giao lưu kinh tế với đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu phát triển các ngành dịch vụ, khu công nghiệp và phát triển khu dân cư nhằm tái bố trí dân cư từ các quận 11, 6, Tân Bình.

Bên cạnh 4 thành phố trên, TP HCM cũng sẽ nghiên cứu bổ sung thêm khu đô thị Tây Bắc với diện tích 6.000 ha đang được quy hoạch và kêu gọi đầu tư khi đủ điều kiện.

Còn với địa bàn nông thôn trong đô thị (huyện Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ), UBND thành phố dự kiến điều chỉnh một phần diện tích huyện Bình Chánh cho khu đô thị Nam và Tây, khi đó địa bàn nông thôn của TP HCM còn lại khoảng 1.300 km2 (62% diện tích tự nhiên của thành phố).

Đối với địa bàn nông thôn này, thành phố đề xuất đổi mới mô hình tổ chức chính quyền theo hướng chuyển cấp chính quyền hiện nay thành cấp hành chính, tức là không tổ chức HĐND cấp huyện, mà chỉ có cơ quan hành chính huyện, như "cánh tay nối dài" của cấp chính quyền TP HCM. Ngân sách của huyện sẽ là một bộ phận của ngân sách chính quyền TP HCM (không có cơ chế tự chủ ngân sách).

Theo Hữu Công
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG