> Thu Uyên: Chia ly là không biên giới
Tháng 4/1975, ngay trước khi Sài Gòn sụp đổ, chính phủ Mỹ phát động “Chiến dịch Không vận Trẻ em”, một kế hoạch được quảng bá mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, nhằm di tản và cho đi làm con nuôi nước ngoài gần 3.000 trẻ em Việt Nam.
Hỗn loạn từ phút đầu cho đến lúc kết thúc, vụ việc thu hút sự chú ý của thế giới bắt đầu từ vụ tai nạn máy bay kinh hoàng cũng như qua hình ảnh những đứa trẻ ngơ ngác về nơi ở mới- được các phương tiện truyền thông quốc tế ghi lại, và qua cảnh các gia đình la hét đòi nhận nuôi những đứa trẻ lang thang này.
Thường được diễn tả là một nỗ lực nhân đạo, chiến dịch Không vận Trẻ em có vẻ đã tạo cơ hội để nước Mỹ có được sự phấn chấn sau những tổn thương ở Việt Nam.
Hơn 35 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Dana Sachs đã tiến hành nghiên cứu lại sự kiện chưa có tiền lệ này một cách kỹ lưỡng hơn. Tác giả chỉ ra, một chính sách riêng lẻ đã làm thay đổi cuộc đời của hàng ngàn con người, và không phải lúc nào cũng là tốt hơn, một cách vĩnh viễn như thế nào.
Với sự nhạy cảm và cân bằng, Sachs làm cho bản miêu tả của mình thêm sâu sắc bằng cách tính đến vô số các góc cạnh của vấn đề: Những bà mẹ đẻ đưa ra quyết định đau đớn từ bỏ con cái; các nhân viên trại mồ côi, nhân viên quân sự, các bác sĩ cố gắng “cứu giúp” trẻ; các chính trị gia và các quan tòa nỗ lực gỡ rối các vụ tranh cãi; các gia đình nhận nuôi chờ đợi trẻ đến trong lo âu; và chính lũ trẻ đã phải gắng sức để hiểu điều gì đang diễn ra.
Thông qua câu chuyện của cô bé Anh Hansen và nhiều đứa trẻ khác, Những mảnh đời được ban tặng truyền cảm hứng và khích lệ các cuộc đối thoại về cái giá mà con người phải gánh chịu trong chiến tranh, về vấn đề con nuôi quốc tế, các nỗ lực cứu trợ và về sự can dự của Mỹ ở Việt Nam.
Theo tác giả, khoảng 80% số trẻ được đưa đến Mỹ, số còn lại đến Canada, Úc và châu Âu. Ngay trong thời điểm diễn ra chiến dịch, tranh cãi đã nổ ra với câu hỏi rằng liệu “đây có phải là phản ứng thích hợp để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng?”. Người ta tranh cãi về việc giám sát chương trình di tản, gia cảnh của trẻ...
Trong lời giới thiệu, Dana Sachs viết: “Chiến dịch Không vận đã để lại trong mỗi người những rắc rối về tâm lý và tình cảm. Trong nhiều trường hợp, những rắc rối ấy không thể gỡ ra được”.
Dana Sachs đã viết về Việt Nam trong 20 năm. Là tác giả Ngôi nhà trên con phố mơ ước: Hồi kí của một phụ nữ Mỹ ở Việt Nam và tiểu thuyết Nếu bạn từng sống ở đây, đồng tác giả Hai chiếc bánh thích hợp cho một ông vua: Truyện ngụ ngôn Việt Nam. |