Sách 'Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử': Hiểu rõ thêm về một sự kiện lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sách Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử (Phanbook và NXB Ðà Nẵng, phát hành cuối năm 2021) của nhà nghiên cứu Võ Hà có thể giúp độc giả trẻ ngày hôm nay tiếp cận lại những tư liệu - những quan điểm chính thống của Việt Nam cách đây hơn 30 năm về biển đảo .

Tuy sách dày hơn 500 trang, nhưng được chia ra gần 40 tiểu mục tương đối độc lập, nên khá thuận tiện cho các độc giả bận rộn. Chỉ cần xem qua mục lục, thấy quan tâm vấn đề nào thì đọc vấn đề ấy.

Sách 'Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử': Hiểu rõ thêm về một sự kiện lịch sử ảnh 1
Nhà nghiên cứu Võ Hà với sách “Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử” vừa phát hành

Một bổ khuyết nhỏ vào nghiên cứu Biển Ðông

Có thể thấy các công trình nghiên cứu về Biển Đông nói chung và Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng của Việt Nam vẫn còn khá ít so với thực tế lịch sử và nhu cầu của độc giả. Đặc biệt, còn khá ít so với số lượng công trình, bài viết về Biển Đông đã xuất bản của Trung Quốc.

Cứ liệu chính mà sách này dựa vào để biên soạn một cách có hệ thống là các công hàm ngoại giao, các tuyên bố quốc tế, các bài báo xã luận, bài viết, ký sự... được đăng trên báo Nhân dânQuân đội nhân dân từ tháng 2 đến tháng 6/1988, nghĩa là trước và sau sự kiện thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988.

“Cuốn sách ra đời với mong muốn bổ sung các thông tin, tài liệu về sự kiện lịch sử này; làm rõ hơn các căn cứ lịch sử, cơ sở pháp lý của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và phần nào của cả quần đảo Hoàng Sa - ngay tại thời điểm năm 1988”, tác giả Võ Hà cho biết.

“Khối lượng tài liệu lớn trong tập sách này đã cung cấp thêm thông tin cụ thể và làm rõ hơn các bài học lịch sử giá trị, đồng thời chỉ rõ những toan tính nằm trong kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm bành trướng ở Biển Đông. Sách lược Nhất đái, nhất lộ hiện tại của Trung Quốc, mà ta quen dịch là “Một vành đai, một con đường” thể hiện rõ ý đồ này”, tác giả Võ Hà viết.

Trong hoạt động đấu tranh ngoại giao và thương thuyết quốc tế, bản đồ, sách và tư liệu lịch sử khách quan, khả tín luôn là một công cụ rất quan trọng. Thực tế nghiên cứu và xuất bản cho thấy một thực tế khá nguy hiểm, đó là chính sách ngoại giao học thuật, tuyên truyền sai lệch của Trung Quốc về vụ án Gạc Ma trong suốt nhiều năm. Điều này làm cho nhiều bạn bè quốc tế, nhiều người dân Trung Quốc, cả một bộ phận nhỏ nhiều người Việt Nam mơ hồ, có thông tin thiên lệch, thậm chí hiểu sai bản chất, hiểu theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Hướng đến độc giả trẻ

Từ hơn 10 năm trước, Võ Hà đã nhận thấy một khoảng trống, thậm chí một lỗ hổng trong hiểu biết của bản thân về lịch sử Trường Sa - Hoàng Sa, nên quyết định tự tìm hiểu, bổ túc. Từ cái nhìn của một người trẻ, Võ Hà có suy nghĩ rằng nhiều người trong giới trẻ Việt Nam cũng cần sự bổ khuyết giống như mình.

“Tôi nghĩ rằng, các thế hệ kế tiếp của Việt Nam cần biết và có quyền được biết về những trang lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của các thế hệ đi trước, qua đó có những nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn về lịch sử dân tộc. Thiết nghĩ, việc mỗi người chúng ta cần có quan điểm tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử, không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù, gây mâu thuẫn. Bởi vì, chỉ có biết đúng sự thật lịch sử, ta mới rút ra những bài học đúng đắn cho quan hệ quốc tế và trách nhiệm với xã hội của mỗi người trong bối cảnh phức tạp hiện nay”, Võ Hà khẳng định.

Nhà nghiên cứu trẻ Võ Hà sinh năm 1984 tại Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, học chuyên ngành về sư phạm Lịch sử. Hiện anh sống và làm việc tại thành phố Ðà Nẵng.

Vì hướng đến độc giả trẻ, nên sách chọn cách tiếp cận giản dị, trong sáng, dựa trên các cứ liệu báo chí và văn bản khách quan, có độ lùi lịch sử. Bản thân các bài viết của Võ Hà lâu nay cũng chọn cách tiếp cận điềm tĩnh, thận trọng.

“Tôi suy nghĩ một cách lạc quan rằng đây là cuốn sách cần có trong tủ sách mỗi gia đình Việt Nam để các thế hệ hiểu rõ thêm về một sự kiện lịch sử còn bị che khuất bởi nhiều nguyên nhân và bởi lịch sử chưa dừng lại ở thì quá khứ”, Võ Hà nói thêm.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".