Ðể người dùng tự đánh giá SGK
Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Theo đó, tháng 10/2019 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT công bố các bộ sách được hội đồng thẩm định quốc gia phê “Đạt”. Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá để lựa chọn bộ SGK phù hợp với địa phương mình. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn các địa phương thành lập hội đồng lựa chọn SGK.
Ông Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, có 5 bộ SGK vẫn đang được thẩm định. “Có những nhóm tác giả viết cho vùng trung tâm yêu cầu cao hơn, nhóm tác giả viết sách cho vùng nông thôn yêu cầu thấp hơn. Các bộ sách có những cách tiếp cận khác nhau nhưng phải đảm bảo chương trình phổ thông mới”, ông Tài khẳng định.
Cũng theo ông Tài, sau khi Bộ công bố các bộ SGK, các địa phương sẽ lựa chọn bộ sách phù hợp. Sách được hội đồng quốc gia thẩm định là sách đáp ứng được chương trình nhất, đúng nhất chứ không phải hay nhất. Sự thành công của bộ sách do chính người dùng, cụ thể là phụ huynh, học sinh, giáo viên đánh giá.
Hiện một số địa phương đã lên phương án cho việc thành lập hội đồng thẩm định SGK.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, Hà Nội không chờ đến năm 2021 mà sẽ chuẩn bị từ bây giờ cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, đề nghị Sở GD&ĐT sớm thành lập hội đồng do giám đốc Sở làm Chủ tịch để nghiên cứu, đánh giá, mời các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia, đề xuất cho UBND thành phố lựa chọn bộ SGK chất lượng.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đơn vị đã có văn bản trình lên UBND tỉnh về kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó, có kế hoạch thẩm định, lựa chọn SGK.
Nhà xuất bản có “cửa đi đêm”?
Xung quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng, để hiệu trưởng hoặc trưởng phòng GD&ĐT lựa chọn SGK dựa trên ý kiến của giáo viên là phù hợp. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến nhận định, lựa chọn bộ SGK nào là việc rất quan trọng, không phải hiệu trưởng, nhà trường nào cũng đủ khả năng thẩm định. Vì thế, giao UBND các tỉnh, thành phố lựa chọn là phương án phù hợp, thống nhất cho toàn địa phương đó.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An ông Thái Văn Thành cho rằng, trước khi tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn SGK sẽ lấy ý kiến các trường, Phòng GD&ĐT, thậm chí đến từng giáo viên để đảm bảo yếu tố khách quan.
GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư chia sẻ, ông từng tiếp xúc với một số người làm giáo dục, họ có ý kiến, nếu để mỗi trường tự lựa chọn bộ SGK cho mình sẽ không phù hợp. Bởi lẽ, 2 trường cạnh nhau, chọn 2 bộ sách khác nhau cũng rất khó. Vì thế, chủ trương để mỗi địa phương chọn một bộ sách phù hợp sẽ hợp lý hơn trong dạy học, chỉ đạo cũng như kiểm tra, đánh giá.
Ông khẳng định, dù có nhiều bộ sách được được phê duyệt nhưng tin rằng sẽ không có sự đồng đều. Ngoài bám chương trình khung, bộ sách này sẽ có điểm mạnh, điểm yếu khác so với bộ sách kia. Do đó, mỗi địa phương lựa chọn bộ SGK nào cũng phải có sự cân nhắc các yếu tố phù hợp văn hóa, địa lý, lịch sử vùng miền. Ngoài ra, sau khi lựa chọn phải tập huấn cho giáo viên về sách mới.
GS Dong lo ngại: “Khi thực hiện chủ trương để địa phương lựa chọn SGK cũng sẽ có khả năng nhà xuất bản “lót tay” nhằm bán sách vì để biên soạn bộ SGK các đơn vị bỏ ra một khoản tiền và công sức không nhỏ, họ sẽ phải tìm mọi cách để bán được sách”.
PGS. TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) lo lắng: “Để nhà trường hay địa phương lựa chọn bộ SGK cho riêng mình đều là bài toán nan giải, không biết sẽ thực hiện như thế nào mới đảm bảo sự khách quan, minh bạch.
Nếu trước đây chỉ có một bộ SGK, trường nào, giáo viên nào cũng dạy theo đó rất dễ. Khi có nhiều bộ sách, nếu để các trường quyết định lựa chọn thì các nhà xuất bản có cơ hội “mời chào”, “giới thiệu”, thậm chí "mua chuộc"… hiệu trưởng để sử dụng bộ sách của họ. Nếu địa phương lựa chọn cũng khó tránh tình huống người quen, người thân giới thiệu và sử dụng liên quan đến lợi ích cá nhân”.
Theo PGS Vũ Trọng Rỹ, ở một số nước có nhiều bộ SGK cũng không yêu cầu nhà trường, địa phương lựa chọn bộ sách cụ thể nào cả. SGK đối với họ không phải là pháp lệnh mà chỉ là tài liệu để giáo viên tham khảo. Cùng với các tài liệu trên mạng internet, giáo viên sẽ tự biên soạn chương trình giảng dạy của riêng mình.
Theo PGS Vũ Trọng Rỹ, ở một số nước có nhiều bộ SGK cũng không yêu cầu nhà trường, địa phương lựa chọn bộ sách cụ thể nào cả. SGK đối với họ không phải là pháp lệnh mà chỉ là tài liệu để giáo viên tham khảo. Cùng với các tài liệu trên mạng internet, giáo viên sẽ tự biên soạn chương trình giảng dạy của riêng mình.