Sa Pa xuất hiện rét đậm ngày đầu thu

0:00 / 0:00
0:00
Sa Pa đón rét đậm vào sáng nay.
Sa Pa đón rét đậm vào sáng nay.
TPO - Nhiệt độ thấp nhất sáng nay (6/9) ghi nhận ở Sa Pa là 14,8 độ, ở mức rét đậm. Nhiều nơi ở vùng núi phía Bắc sáng nay cũng ghi nhận trời rét khi nhiệt độ chỉ hơn 17 độ.

Theo ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn Lào Cai, từ đêm qua và sáng nay (6/9), nền nhiệt các tỉnh vùng núi phía Bắc giảm nhanh, xuất hiện trời rét như tại Bắc Hà (Lào Cai), nhiệt độ thấp nhất ghi nhận là 17 độ. Tại Mù Cang Chải (Yên Bái) là 17 độ, Đồng Văn (Hà Giang) 17,1 độ, Sìn Hồ (Lai Châu) 17,2 độ.

Đáng chú ý, tại thị xã Sa Pa của Lào Cai, nhiệt độ thấp nhất sáng nay chỉ ở mức 14,8 độ (nhiệt độ xuống dưới 15 độ được gọi là rét đậm). Đây là mức nhiệt độ thấp nhất ghi nhận tại Sa Pa từ đầu mùa thu đến nay.

Theo ông Lưu Minh Hải, nền nhiệt chỉ giảm sâu và đêm và sáng, đến chiều nền nhiệt tăng nhanh với nhiệt độ cao nhất khoảng 21-23 độ, trời lạnh.

Lý giải về nguyên nhân khiến Sa Pa và nhiều khu vực phía Bắc giảm nhiệt sâu, ông Hải cho biết, do ảnh hưởng vùng hội tụ gió trên cao suy yếu, khu vực núi bầu trời ít mây, khiến bức xạ nhiệt mặt đất lớn.

Ông Hải cũng cho biết, từ hôm nay, vùng hội tụ gió trên cao phát triển trở lại, nền nhiệt các tỉnh vùng núi phía Bắc sẽ tăng lên.

Theo bản tin dự báo mùa mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa đông năm nay có thể đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, nhiệt độ trung bình của mùa đông năm nay (2021-2022) cũng có xu hướng thấp hơn so với mùa đông năm ngoái (2020-2021, một mùa đông được đánh giá tương đối ấm).

Cụ thể, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2021. Các đợt rét đậm, rét hại trong mùa đông năm 2021-2022 có thể xảy ra sớm, tập trung nhiều trong thời kỳ từ khoảng giữa tháng 12/2021 cho đến tháng 2/2022.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.