Ông Nguyễn Văn Quảng (Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, sau khi nghe thông tin Công ty Thiên Ngọc Minh Uy dừng hoạt động, ông cùng 2 thành viên khác đã đến gặp chủ thị trường ở Phú Xuyên làm thủ tục xin chấm dứt hợp đồng với công ty. Sau nhiều lần hẹn lên hẹn xuống, nhờ cậy các mối quan hệ, ông và 2 thành viên khác trong gia đình đã hoàn tất các thủ tục chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, tổng số tiền nhận được khi đặt bút ký vào bản chấm dứt hợp đồng của ông chỉ bằng 1/3 số tiền ông đã nộp vào công ty.
“Tổng số tiền của tôi và 2 người chị gái nhận được khi đến ký thanh lý hợp đồng với Thiên Ngọc Minh Uy là 190 triệu đồng. Nếu tính cả số tiền thù lao, hoa hồng đã được nhận từ cách đây gần 3 năm, sau khi bị trừ các khoản, số tiền chúng tôi nhận được chỉ được gần 40% của tổng số tiền gần 800 triệu đồng mà ba người chúng tôi đã nộp vào công ty”, ông Quảng nói.
Cũng theo ông Quảng, hầu hết các thành viên khác được Thiên Ngọc Minh Uy giải quyết cho thanh lý hợp đồng cùng đợt với ông cũng bị trừ các khoản tiền lên tới 60% tổng giá trị tiền đã nộp vào trước đó. Một trong những lý do trừ tiền được đưa ra là các mã dưỡng sinh (được tính với giá 11,8 triệu đồng/mã) của các thành viên đang sử dụng liệu trình nên công ty không thanh toán cho các mã đang dùng dở.
“Họ nói các mã này sẽ phải dùng tiếp theo quy định trước đó của công ty. Tôi nhiều lần trình bày mới chỉ dùng đúng 1 lần duy nhất sản phẩm này nhưng họ không chấp nhận. Nếu biết trước bị thiệt hại nhiều như vậy chúng tôi đã không tham gia công ty này”, ông Quảng chia sẻ.
Cũng nộp gần 400 triệu đồng vào Thiên Ngọc Minh Uy từ năm 2015 nhưng chỉ nhận được 2 máy ozone cùng 110 triệu đồng sau khi làm thủ tục thanh lý hợp đồng, bà N.T.V ở phường 9, TP Vĩnh Long cho biết cũng bị gạt toàn bộ không cho thanh lý 23 mã dưỡng sinh (tương ứng số tiền hơn 270 triệu đồng) với lý do các mã này không còn nguyên và người tham gia đang sử dụng dở.
Đề nghị cơ quan công an xem xét nếu có dấu hiệu lừa đảo
“Tôi cũng tìm hiểu và nếu chiếu theo các khoản từ 1 đến 5 của Điều 26 Nghị định 42, bên Thiên Ngọc Minh Uy đã trừ sai tiền của chúng tôi. Theo quy định họ cũng phải nhận lại toàn bộ các mã hàng đã bán ra nhưng thực tế họ không làm như vậy. Dù bị thiệt hại rất nhiều nhưng tôi cũng không biết phải làm thế nào để có thể đòi lại đúng quyền lợi của mình”, bà V. nói.
Một số cựu thành viên của Thiên Ngọc Minh Uy ở TPHCM cũng cho biết còn bị ép phải ký vào một biên bản cam kết do Thiên Ngọc Minh Uy soạn sẵn với điều kiện phải nhận lỗi về mình và phải cảm ơn công ty đã xem xét tạo điều kiện giải quyết thủ tục khi thanh lý hợp đồng.
“Một điều khoản nữa họ buộc chúng tôi phải ký trong bản cam kết là sẽ không khiếu nại hay khiếu kiện gì với công ty khi thực hiện chấm dứt hợp đồng”, bà N.T.Thúy, một thành viên của Thiên Ngọc Minh Uy ở quận Tân Bình (TPHCM) nói và cho biết có 5 khách hàng được giải quyết thanh lý hợp đồng cùng với bà hồi tháng 6 vừa qua cũng bị trừ hàng trăm triệu đồng một cách hết sức vô lý.
Trao đổi với PV Tiền Phong về việc nhiều cựu thành viên tố bị Thiên Ngọc Minh Uy trừ tiền sai luật, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy định, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Cục Quản lý cạnh tranh ban hành văn bản xác nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.
“Trong thời gian qua chúng tôi đã nhận được rất nhiều đơn của những người tham gia Thiên Ngọc Minh Uy gửi về. Chúng tôi cũng đã tiếp nhận phản ánh liên quan đến việc Thiên Ngọc Minh Uy trừ nhiều khoản chi phí bất hợp lý do người tham gia mạng lưới đa cấp này tố cáo. Chúng tôi đã có nhiều văn bản yêu cầu Thiên Ngọc Minh Uy xử lý dứt điểm việc giải quyết quyền lợi của người tham gia theo đúng quy định của pháp luật”, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh nói và cho biết với những tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, Sở Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh sẽ trực tiếp thụ lý và hỗ trợ người tham gia theo quy định, cụ thể là Nghị định 42. Trường hợp người tham gia có lý do để cho rằng, mình đã bị lừa đảo, Sở Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh sẽ hướng dẫn người tham gia làm đơn tố giác tội phạm và gửi tới cơ quan công an để được xem xét xác minh.
Với những thành viên tham gia mạng lưới đa cấp ở TPHCM, theo đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, trong trường hợp phát sinh tranh chấp, khiếu nại mà các bên không thể thương lượng được, người tham gia có thể gửi đơn về Sở Công Thương TPHCM tại địa chỉ số 163 đường Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3 để được hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết theo quy định pháp luật.