Rút giấy phép thủy điện không trồng rừng thay thế

Thủy điện Sơn La. Ảnh: Hoàng Hải
Thủy điện Sơn La. Ảnh: Hoàng Hải
TP - Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, sẽ đề nghị Bộ Công Thương rút giấy phép những “ông” thủy điện chây ỳ, không trồng rừng thay thế, khi đã lấy đất để làm thủy điện. 

Nhiều thủy điện “nợ” rừng

Tại cuộc họp trực tuyến hôm qua (16/12), về việc trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đặc biệt là thủy điện, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, tiến độ trồng rừng thay thế rất ỳ ạch, thậm chí nhiều nơi chưa đả động gì. Theo đó, cả nước có 2.320 dự án lấy đất rừng, diện tích phải trồng thay thế trên 76.000 ha, nhưng hết năm 2013, chỉ trồng được hơn 2.500 ha. 

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến tháng 12/2014, có 28/55 tỉnh, thành đã trồng gần 7.200 ha diện tích rừng thay thế (riêng năm 2014 trồng gần 4.650 ha, đạt 35% kế hoạch năm). Trong đó, các chủ thủy điện trồng gần 2.450 ha, đạt 22% kế hoạch năm. Ông Ngãi cho biết, nhiều tỉnh “nợ” diện tích rừng lớn, nhưng chưa trồng là Lai Châu, Thanh Hóa, Gia Lai, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Phước, Trà Vinh. 

Một số địa phương nợ lớn, nhưng triển khai ỳ ạch là Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Lạng Sơn. Có nhiều chủ dự án “bình chân như vại”; trong đó 27 dự án nợ trên 100 ha/dự án, như: Thủy điện Đồng Nai 3/1 (Đắk Nông) nợ trên 2.600 ha; Thủy điện Hủa Na (Nghệ An) 1.400 ha; Thủy điện Lai Châu trên 1.500 ha, thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa) gần 1.200 ha…

Theo quy định, chủ thủy điện có thể nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng địa phương, nếu không trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, con số thu được từ nguồn này cũng khiêm tốn. Là địa phương “nợ” nhiều diện tích rừng, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh này có 245 dự án lấy trên 3.550 ha rừng, trong đó 7 công trình thủy điện “ngốn” gần 1.350 ha. 

“Các doanh nghiệp coi thường quy định, không làm. Nếu các vị không làm, sẽ báo cáo lên Chính phủ và đến tháng 5/2015 sẽ báo cáo trước Quốc hội. Nhất quyết không để tình trạng không chịu làm, rồi Bộ trưởng NN&PTNT đứng trước Quốc hội xin nhận khuyết điểm được”.

 Bộ trưởng Cao Đức Phát

Theo ông Quyền, phần lớn các chủ thủy điện đều muốn “quy ra tiền” thay vì tự trồng rừng. Hiện, tỉnh này đã phê duyệt phương án trồng rừng 3 dự án, với diện tích 1.240 ha, kinh phí gần 34 tỷ đồng. Thế nhưng mới chỉ có 2 đơn vị nộp tiền khoảng 4 tỷ đồng, còn “ông lớn” như Thủy điện Trung Sơn nợ gần 1.200 hécta (trên 30 tỷ đồng). 

Một địa phương khác cũng có nhiều doanh nghiệp thủy điện nợ nhiều rừng là Nghệ An. Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, toàn tỉnh có 15 dự án thủy điện với gần 1.800 ha rừng phải trồng thay thế. Tuy nhiên, tỉnh này mới thu tiền trồng 450 ha với hơn 24 tỷ đồng từ các chủ thủy điện. Còn lại, gần 1.350 ha, các ông chủ thủy điện còn chây ỳ, cần có chế tài truy thu.

Ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN có tới 13.850 ha rừng cần phải trồng thay thế, với giá trị đầu tư trồng bù khoảng 800 tỷ đồng. Hiện EVN đã lập phương án trồng 3.850 ha, với khoảng 190 tỷ đồng. Một số dự án, EVN đã nộp tiền cho địa phương triển khai. Theo ông Thành, cái khó hiện nay là địa phương phải có đất, chủ đầu tư mới lên phương án để trồng rừng thay thế, nhưng nhiều địa phương “đốt đuốc” cũng không tìm ra đất trồng. Trong khi đó, đơn giá các địa phương đưa ra với mỗi hécta rừng cũng khác nhau, khoảng 15-130 triệu đồng/ha, nên cũng gây khó khăn cho chủ đầu tư.

Chây ỳ, có phạt nổi?

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, nhiều địa phương còn chậm, chưa nghiêm túc trong việc trồng rừng thay thế khi lấy đất rừng làm việc khác, nhất là làm thủy điện. “Tại hội trường Quốc hội, nhiều ý kiến nêu về vấn đề này. Có ý kiến đặt vấn đề về sự nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về luật pháp. Tôi đã đứng lên nhận khuyết điểm trước Quốc hội trong việc chậm trễ thực hiện Nghị quyết Quốc hội, với tư cách là cơ quan của Chính phủ”- ông Phát nói.

Ông Phát cho rằng, các dự án thủy điện, đã lấy rừng tập trung, thì phải trả rừng tập trung. “Còn trả bằng trồng cây phân tán, tôi rất băn khoăn, vì việc kiểm soát rừng này thế nào, chăm sóc, bảo vệ ra sao để cây sống, thực sự có rừng thay thế theo quy định của luật pháp?”- ông Phát đặt vấn đề. Theo ông Phát, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư không nghiêm túc thực hiện các quy định của luật pháp. Nhiều chủ đầu tư còn chưa có phương án trồng, chứ chưa nói đến việc đi trồng cây gì, ở đâu, vốn ở đâu… “Nếu không làm quyết liệt từng ngày, thì vụ trồng rừng năm 2015 cũng không đạt được”. 

Về sự chậm trễ trên, Bộ trưởng Phát cho biết, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo, những địa phương như Lai Châu, Thanh Hóa, Bình Phước, Khánh Hòa, Trà Vinh, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông báo cáo việc thực hiện lên Thủ tướng trước 31/1/2015. Các tỉnh khác nợ rừng, phải báo cáo việc trồng thực tế ra sao, trước 1/5/2015. 

Theo quy định, nếu đơn vị nào chậm trồng rừng thay thế trong 1 năm, diện tích trên 50 hécta, sẽ bị phạt 400-500 triệu đồng. Ông Phát nói: “Tôi đã bàn với Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, thủy điện nào không chịu trồng rừng thay thế, cố ý chây ỳ, tôi đề nghị rút giấy phép hoạt động”.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.