'Ruộng biên phòng' mang no ấm cho dân

Cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo thăm hỏi bà con bản Ka Ai.
Cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo thăm hỏi bà con bản Ka Ai.
TP - Mặc dù đã “nhận khoán” nhưng người Mày, người Sách ở bản Ka Ai (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) vẫn gọi 5ha ruộng nước do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo khai hoang là “Ruộng biên phòng”. Người già bảo, đó cũng là cách để người Ka Ai nhắc nhở nhau rằng, cuộc sống no ấm hôm nay cũng nhờ những người lính biên phòng mà có.

Chúng tôi đến Bản Ka Ai khi những cơm mưa xuân của đại ngàn Trường Sơn vẫn đang rơi ướt đẫm những mái nhà của người Sách, người Khùa nằm ven theo vách núi. Thời tiết vẫn rất lạnh, mưa nặng hạt, trưởng bản Ka Ai Cao Xuân Xiêm vẫn nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm các nhà trong bản. Bản giáp biên xa ngái nhưng nhờ sự quan tâm của Nhà nước, Ka Ai đã có đường bê tông chạy quanh bản, không còn cảnh chân lấm bùn ngày mưa. Nhà chị Hồ Thị Khánh nằm cuối bản, nhìn ra cánh đồng biên phòng. Những đứa trẻ thấy khách đến không bỏ trốn như trước đây bởi hình ảnh người lính biên phòng ở Ka Ai đã quá đỗi thân thuộc. Chị Khánh bảo: “Những năm trước, nhà chỉ trồng lúa nương. Cơm không đủ no, phải nhận gạo cứu đói. Nhờ có ruộng biên phòng nhà chị cũng như nhiều nhà khác ở đây hết cảnh đói ngày giáp hạt. Hạt gạo do mình làm ra ăn thơm, dẻo hơn rất nhiều. Nhờ có biên phòng mà nhà tôi có được ngày hôm nay”.

Từ ngày Thiếu tá Ngô Thanh Hà, y sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo về làm Phó Bí thư chi bộ bản Ka Ai, hình ảnh người lính biên phòng càng rõ nét trong cuộc sống của bà con nơi đây. Có đi biên giới mới biết, nỗi vất vả của lính biên phòng cắm bản, trăm việc đều đến tay. Mấy hôm nay, Thiếu tá Ngô Thanh Hà và cán bộ chiến sĩ tổ công Ka Vàng tất bật cho vụ Đông Xuân. Ruộng đã cày, bừa xong. Thóc giống đã ủ chỉ chờ ngày xuống ruộng. Thiếu tá Ngô Thanh Hà bảo: Gọi là khoán ruộng cho bà con nhưng bộ đội biên phòng vẫn phải tham gia cùng bà con nhiều việc, nhất là những khâu quan trọng ủ giống, chọn thời điểm xạ lúa, bón phân, bà con đều chưa tính toán được.Việc làm thay đổi nhận thức của bà con cần phải có thời gian, không phải muốn là thay đổi ngay được dù điều cần thay đổi là tốt, có lợi. Các anh phải kiên trì, theo sát, hỗ trợ bà con mới đảm bảo được vụ lúa bội thu; mới lan toả niềm tin vào cây lúa nước hơn cây lúa nương cho bà con.

Kết nối dựng trường, xây nhà văn hóa

Trưởng bản Cao Xuân Xiêm bảo, ở Kai Ai, chẳng ai có thể kể hết việc của bộ đội biên phòng đã làm cho bà con. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã nhận đỡ đầu cho bản Ka Ai. Từ cái cổng chào của bản, đến công trình nước sạch từ trên núi về cũng do bộ đội biên phòng giúp đỡ. Bộ Chỉ huy cũng kêu gọi nhiều đoàn từ thiện, nhà hảo tâm tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 8/2017, bản Ka Ai có thêm bốn phòng học cho ba nhóm lớp học sinh mầm non. Mùa đông lạnh giá năm nay các em nhỏ ấm hơn vì đã có trường mới, vững chãi kín gió. Dãy phòng học này là món quà của nhóm thiện nguyện Chí Thiện (Hải Dương) do những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo kết nối.

Năm trước, Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính đã ngỏ ý cần giúp đỡ với 1 người họ hàng xa là phi công của Hãng hàng không Việt Nam Airline. Những tâm sự của người lính nơi biên giới về những khó khăn của đồng bào khiến vị phi công quyết định kêu gọi bạn bè góp tiền xây “Tặng mái trường cho em”. Tiền đã đủ nhưng việc thi công gặp trở ngại khi mặt bằng bản Ka Ai hẹp, không có mặt bằng. Những người lính biên phòng lại một lần nữa đến vận động nhà Hồ Phước, Hồ Phê và Hồ Ton chuyển nhà lấy đất xây điểm trường. Bộ Chỉ huy, đồn biên phòng cũng hỗ trợ về người và vật chất để các gia đình di chuyển vị trí mới.

Đại úy Ngô Nam Anh, phó đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo là giáo viên Khoa Biên phòng, Trường Trung cấp Biên phòng 1 đang trong thời gian đi thực tế tại đơn vị. Là phó đồn trưởng chuyên phụ trách về công tác hậu cần cũng như huấn luyện của đơn vị, lại là giáo viên đi thực tế nhưng không vì thế mà anh đứng ngoài cuộc trong các công việc của đồn ở địa bàn. Chỉ tay khoảng đất trống cạnh trường học, Đại úy Ngô Nam Anh chia sẻ: Chúng tôi đang kêu gọi các nhà hảo tâm tiếp tục giúp bản Ka Ai xây dựng 1 nhà văn hóa cho bà con ở chỗ này. Có nhà văn hóa để có thể tổ chức sinh hoạt cộng đồng, việc tập trung bà con dễ  hơn, và nhất là có chỗ tổ chức cho bà con những ngày lễ tết của bản. Đã có vài nơi nhất trí, hứa hẹn sớm triển khai”.

Có đến, nghe và thấy những việc làm của những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo mới thấy trách nhiệm đi đến cùng của người lính biên phòng đối với những việc mình khởi xướng. Thấy Ka Ai, tôi lại nhớ đến bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết về mảnh đất này đúng 50 năm trước “Vì một tiếng ru hời hay tiếng đánh vần bi bô, những cánh đồng hợp tác hay những nhà máy khói bay. Có chúng tôi đây vững vàng trên miền Tây…” . 

MỚI - NÓNG