Rước tượng vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương

TPO - Hai bức tượng sáp vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương vừa được rước một cách long trọng từ khách sạn Dalat Palace về Dinh I, tòa dinh thự nhà vua đã mua của một quan chức người Pháp và chỉnh trang thành nơi làm việc mỗi khi đến Đà Lạt.

Ngày 10/6, Ban quản lý Dinh I (đường Trần Quang Diệu, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) tổ chức lễ rước tượng vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương từ khách sạn Dalat Palace về Dinh I, nơi còn lưu giữ nhiều hiện vật, dấu ấn của vị hoàng đế này và là điểm tham quan thu hút khá đông du khách.

Rước tượng vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương ảnh 1

Cận cảnh tượng sáp vua Bảo Đại

Tượng làm bằng sáp nhưng rất giống người thật. Tượng vua Bảo Đại mặc Âu phục màu sám đậm, bên trong là áo sơ mi trắng, thắt cà vạt, chân đi giầy. Tượng Nam Phương hoàng hậu tóc búi sang trọng, mặc áo dài màu xanh, cổ mang chuỗi hạt, tai đeo trang sức.

Đoàn rước khá lộng lẫy với chiếc xe ngựa cổ có 4 lọng che và hơn 30 người trong trang phục áo dài, khăn đóng truyền thống cầm cờ tháp tùng. Nhiều du khách tò mò đi theo đoàn rước trên quãng đường dài 4km.

Rước tượng vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương ảnh 2

Đoàn rước xuất phát từ khách sạn Dalat Palace

Rước tượng vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương ảnh 3

Đoàn rước

Rước tượng vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương ảnh 4

Đoàn rước về tới Dinh I

Ban Quản lý Dinh I cho biết sở dĩ chọn địa điểm xuất phát của đoàn rước tại khách sạn Dalat Palace vì đây là nơi lưu dấu ấn gặp gỡ của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương.

Năm 1949, khi quay lại nắm quyền ở Việt Nam với vai trò Quốc trưởng, vua Bảo Đại đã mua lại tòa dinh thự này từ một quan chức người Pháp. Nhà vua đã cho chỉnh trang dinh thự thành nơi làm việc cho đến khi thoái vị vào năm 1954. Tại Đà Lạt, vua Bảo Đại còn sở hữu một dinh thự nghỉ dưỡng đồng thời là nơi làm việc mùa hè (nay là Dinh 3) và mua nhiều biệt thự khác để tặng những người tình.

Rước tượng vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương ảnh 5

Tượng sáp nhà vua và hoàng hậu.

Được biết, hai tượng sáp nói trên được đặt làm tại một cơ sở ở TPHCM với giá hàng trăm triệu đồng mỗi bức. 20 nghệ nhân đã tham gia chế tác 2 tượng sáp này trong gần nửa năm.

MỚI - NÓNG