Bao nhiêu năm lưu lạc xứ người nhưng ông Hoàng Nờ (88 tuổi, ngụ TP Đà Lạt - Lâm Đồng).vẫn giữ được chất giọng Quảng Bình đậm đặc trong từng lời kể. Đang tuổi trai tráng hừng hừng khí thế, thì Hoàng Nờ bị quân Pháp về làng bắt đi lính. Hơn 300 thanh niên sức dài vai rộng bị bốc lên xe, chở đi đâu chẳng ai biết.
Hoàng Nờ chỉ nhớ đó là một khu đồn trú của lính Pháp nằm tít trong rừng của tỉnh Quảng Bình. Thanh niên bị bắt được phát đồng phục và bắt đầu thực hiện các bài tập huấn khắt khe, khổ ải. Qua mấy tháng vận động cơ bắp, Hoàng Nờ là một trong 30 thanh niên yếu ớt nhất, không thể cầm súng ra trận nên bị bỏ lại tại Huế. Một ngày, người giúp việc của nhà vua tới đưa số thanh niên này vào cung, giao cho sĩ quan cận vệ huấn luyện những bài tập phục dịch chốn cung đình.
Xung quanh nhà vua luôn có ba lớp người hầu. Lớp thứ nhất do trung úy Độ và trung úy Bộ bảo vệ. Hai cận vệ này cao to lực lưỡng, võ nghệ phi phàm, bắn súng bách phát bách trúng, là lá chắn và bia đỡ đạn cho vua Bảo Đại. Lớp thứ hai gồm tướng lĩnh cao cấp trong vương triều, chịu trách nhiệm tham mưu, nghe ngóng và thu thập tình hình bên ngoài về bẩm báo lại nhà vua. Lớp cuối cùng mới đến lớp người hầu như Hoàng Nờ.
Bộ phận này có hai nhóm, nhóm thứ nhất hầu hạ cơm nước, vệ sinh cung đình, trông nom tài sản trong triều. Nhóm thứ hai bao gồm 3 đội vệ binh xoay vần chuyên phục vụ nhà vua đi săn thú ở khắp các cánh rừng Tây Nguyên. Hoàng Nờ là kẻ hầu trong những cuộc đi săn của nhà vua. Vì vậy, trong trí nhớ của ông, những cuộc đi săn cùng vua là mảng ký ức vừa phi thường, vừa hãi hùng.
Ba đội vệ binh gồm khoảng 30 người, chia đều ra ba khu vực nhà vua thường xuyên đi săn. Đó là: Đơn Dương (Lâm Đồng); Lắk (Đắk Lắk) và Phú Thiện (Gia Lai). Khu vực rừng Đơn Dương quy tụ nhiều nai và đỏ (hươu), vua Bảo Đại và vợ Mộng Điệp thường đi săn bằng xe Jeep. Cận vệ thứ nhất được phép ngồi phía sau xe của nhà vua, số lính còn lại ngồi xếp lớp trong thùng xe tải dạng quân sự. Súng ống tua tủa, nghênh ngang chọc trời.
Đoàn xe hùng hổ băng qua các bản làng, các vùng dân cư, khói bụi xả mịt mù. Khi Bảo Đại và cận vệ vào sâu trong rừng, lớp quan tướng phải đứng cách xa 100m, còn đội vệ binh (đội khiêng thú) đứng cách 200 - 300m. Hễ nghe thấy súng nổ, lập tức viên tướng vòng thứ hai ra hiệu lệnh cho đội vệ binh xông lên, tìm đúng vị trí tiếng súng sẽ thấy con vật nằm chết tức tưởi trên vũng máu.
Ông Hoàng Nờ, người hiện còn lưu giữ nhiều ký ức về vua Bảo Đại.
Cuộc chiến rừng xanh
Vua Bảo Đại có khả năng bắn súng bách phát bách trúng, một con thú ông chỉ cần bắn đến phát thứ hai là gục. Thế nên, hễ có tiếng súng là y như rằng có thú rừng bị giết. Cự ly ngắm bắn của nhà vua thường cách từ 100m đến 200m, có khi nhà vua đứng bên này ngắm qua một khe suối sang bên kia. Toàn bộ tướng lĩnh và đội vệ binh phải cởi áo sắn quần lội suối, bới gai tìm xác thú rừng. Con nai bị bắn hạ lăn xuống vực sâu vài chục mét mới chết, đội khiêng thú người tóe máu, người bị thương là chuyện bình thường.
Riêng nai, hươu có nhung sau khi bắn chết là phải chặt đầu ngay. Thú khiêng ra bìa rừng cho lên xe đưa về dinh, bộ phận nào quý giá nhất, ngon bổ nhất được dâng lên nhà vua, còn lại thịt xương lính tráng tha hồ xơi. Ông Hoàng Nờ cho biết, ngày đó ăn thịt nai, hươu, lợn rừng và hổ là nhiều nhất. Ăn đến mức nhìn thấy thịt là… sợ
Săn chán ở Đơn Dương, vua Bảo Đại hạ lệnh xuôi về Lắk (Đắk Lắk) săn voi, nơi này được mệnh danh là lãnh địa của voi rừng. Voi rừng rất manh động, cộng với thân hình khổng lồ, chúng sẵn sàng tấn công thợ săn một khi phát hiện gặp nguy hiểm. Đi săn voi rừng phải mang theo voi nhà để uy hiếp và dẫn độ voi rừng về. Voi rừng thường đi từng đoàn vài chục con, nài voi phải ngụy trang bằng lá rừng thật kín đáo, cưỡi voi nhà xông vào đàn voi rừng chia rẽ chúng.
Khi tách ra được hai mẹ con, vua dùng súng có tẩm thuốc gây mê bắn voi mẹ gục tại chỗ để khống chế voi con. Tiếp tục bắn thuốc mê vào voi con để nó không phát ra tiếng kêu đồng loại tới ứng cứu. Vua Bảo Đại chỉ săn voi con về thuần hóa thành voi nhà, phục vụ cho nhu cầu đi lại của nhà vua. Tuyệt nhiên, vua không bao giờ ăn thịt voi. Nếu bắn được voi già sẽ lấy ngà, còn thịt thì xẻ ra cho quân lính ăn. Ông Hoàng Nờ kể: "Ăn thịt voi ngon nhất là phần vòi và mu bàn chân. Một con voi vài tấn, thịt của nó xẻ ra không thể ăn hết được, mang phơi khô ăn dần".
Một lần, vua Bảo Đại nổi hứng đi săn vào ban đêm. Tất cả đoàn tùy tùng phải lục đục dậy chuẩn bị đồ nghề khiêng. Giữa cánh rừng, vua rọi đèn pha xe phát hiện một đàn voi rừng lững thững đi về phía cuối nguồn. Tất cả các xe trong đoàn đồng loạt rọi đèn sáng như ban ngày, tạo thành vòng tròn bao vây. Nhưng trong khoảnh khắc, nhà vua ra lệnh không nổ súng, bởi ông ta hiểu rằng, màn đêm chính là lợi thế tốt nhất của voi, hơn nữa ông lại không mang theo voi nhà, chỉ có súng và mấy chục con người không thể nào hạ gục được đàn voi rừng hùng hậu như vậy.
Theo kinh nghiệm, nếu bị tấn công, voi rừng sẽ gầm lên và lao về phía kẻ thù. Với tầm thế của chúng, thì chiếc xe Jeep 4 chỗ của vua sẽ bị nó giẫm nát bét. Mặt khác, một phát đạn không thể hạ gục được voi, một khi voi bị thương nó càng hung hãn. Hiểu quá rõ về sự nguy hiểm, vua Bảo Đại đã chào thua voi trong đêm đi săn đó. Có lẽ đó là lần duy nhất vua phải ra về tay trắng.
Phút thư thả của ông Hoàng Nờ.
Khuất phục chúa sơn lâm
Thời đó, rừng xanh còn bao la, thú rừng nhiều vô kể. Hổ và lợn rừng quần tụ rất nhiều ở khu vực núi Phú Thiện (Gia Lai). Bảo Đại rất thích săn hổ. Loài chúa tể sơn lâm hung hãn khiến nhà vua càng thích thú. Những chuyến đi rừng Phú Thiện, mục đích của vua Bảo Đại là tìm hổ để bắn. Bắn hổ vào ban đêm dễ nhất, vì khi rọi đèn pha vào cặp mắt xanh lè của hổ, nó sẽ đứng im gầm gừ đúng với vị thế của một chúa tể.
Tuy nhiên, để tìm hổ không phải dễ, nơi hổ ẩn náu thường ở sâu trong rừng thẳm, xe ô tô không thể vào. Vua Bảo Đại đi bắn nai trước, không có nai thì mua bò của người Thượng làm mồi nhử hổ lộ diện. Mồi được buộc vào đầu của cây cọc dựng trên bãi đất trống, bên cạnh đốt đống lửa thật to. Quân lính phải thiết kế một chiếc chòi treo trên ngọn cây để vua ngồi trên đó chĩa súng xuống. Xung quanh, tướng lĩnh, cận vệ nằm bò la liệt chầu chực tiếng súng khô khốc của nhà vua. Vào tầm nửa đêm, hổ đánh hơi thấy mồi ngon liền mò đến. Chờ cho hổ đánh chén no say, họng súng từ trên ngọn cây chĩa thẳng vào đầu. Một cái xiết cò, hổ gục ngã.
Nếu chưa gục, lập tức một trong hai cận vệ bồi thêm vài phát, không con hổ nào chạy thoát. Hổ săn được đưa về tập kết tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), việc đầu tiên các chuyên gia của nhà vua sẽ đốt râu. Vì râu hổ có chứa một loại chất cực độc, nó có thể làm chết ngay lập tức con người nếu ăn phải. Sau đó, da hổ được lột từ đầu tới chân, lột làm sao phải giữ nguyên hình hài của hổ để làm áo giáp bọc lên ngai vàng hoặc nhồi bông vào bụng làm hổ giả.
Được cái, nhà vua rất chịu khó trong việc đi săn, không kể ngày đêm, mưa gió. Vua chịu khó bao nhiêu thì lính tráng khổ sở bấy nhiêu. Mưa gió, lạnh lẽo giữa núi rừng nhưng vua mặc nhung bào, ngồi trong xe bọc thép được trang bị đến tận răng. Kẻ hầu co ro phơi mình trong cái lạnh thấu xương của rừng già. Chưa kể bắn hạ một con thú rừng, nhà vua hả hê lái xe đi về, nhiệm vụ tiếp theo lính tráng hì hục bới từng bụi cỏ, lật từng gốc cây tìm chiến lợi phẩm.
Thấy ông hoàng giết hại nhiều thú quá, mẹ vua là Hoàng Thái hậu Hoàng Thị Cúc cấm con trai đi săn, nếu có đi săn thì không được bắn những con thú cái. Tuy nhiên, niềm đam mê của vua làm sao cấm cản, cứ gặp con nào là vua bắn. Thậm chí, thấy hai con công đang "yêu" nhau, ông bắn hai phát hạ gục hai con rồi ngoắc người hầu lao vào bụi cây tìm xác.
Những cuộc tàn sát mãnh thú rừng xanh của vua chỉ dừng lại khi vương triều suy vong, nhà vua phải trao ấn tín thoái vị.
Theo Ngọc Thiện