Rước bệnh vào người nếu bảo quản thực phẩm theo cách này

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Sử dụng các loại đồ nhựa, màng bọc thực phẩm không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe người dùng.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Bảo quản thực phẩm là việc làm rất quan trọng trong việc tránh các vi khuẩn có hại xâm nhập, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dùng. Hiện nay, nhiều gia đình có thói quen dùng các loại đồ nhựa hoặc màng bọc thực phẩm trong việc bảo quản thực phẩm kể cả đồ tươi sống hoặc đồ ăn đã nấu chín. Tuy nhiên, cần biết cách lựa chọn và sử dụng các loại dụng cụ bảo quản này sao cho phù hợp và an toàn với sức khỏe.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, với các loại hộp bảo quản thức ăn bằng nhựa nếu thành phần có chứa chất BPA (Bisphenol A) sẽ rất nguy hiểm khi sử dụng nhất là đối với sức khỏe của trẻ nhỏ. Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu hàm lượng chất BPA tích tụ quá nhiều trong cơ thể có thể gây vô sinh ở cả nam và nữ giới. Bên cạnh đó, chúng có thể gây chậm phát triển, rối loạn nhận thức ở trẻ nhỏ hoặc làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch ở người cao tuổi.

Ngoài ra, với những loại sản phẩm nhựa thông thường, không chứa chất BPA, nếu sử dụng sai cách cũng sẽ gây hại cho người dùng. Chẳng hạn, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, không nên dùng đồ nhựa đựng thực phẩm ở nhiệt độ cao (trong lò vi sóng) vì khi đó, nhiệt lớn có thể khiến các chất hóa học trong đồ nhựa thôi ra, nhiễm vào thực phẩm. Bên cạnh đó, khi chứa rượu hoặc các loại dấm ăn quá lâu trong các chai nhựa cũng sẽ gây biến đổi chất, không tốt khi sử dụng.

Còn với các màng bọc thực phẩm, TS Nguyễn Thị Lâm cho hay, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, người dùng nên sử dụng các loại bao gói thực phẩm trong điều kiện dưới 70 độ C; không để thực phẩm vẫn được bao gói vào lò vi sóng hoặc ở mức nhiệt trên 160 độ C.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các loại màng bọc thực phẩm. Tuy nhiên, người dùng nên chọn màng bọc PE vì loại này nhà sản xuất thường ít cho thêm phụ gia tạo dẻo. Các loại màng bọc PE thường có màu trắng, ít dính tay khi sờ vào và dễ dàng bóc ra. Còn loại màng bọc PVC chỉ nên dùng với thực phẩm chưa qua chế biến và cần rửa sạch lại thực phẩm khi chế biến.

Để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, trước khi sử dụng các loại đồ nhựa hoặc màng bọc thực phẩm cần tìm hiểu kỹ trên bao bì nhãn mác của sản phẩm đó xem có chất gây hại hay không (trong đồ nhựa là chất BPA; màng bọc thực phẩm là DEHA); nên sử dụng các sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng và sử dụng đúng hướng dẫn in trên bao bì.

Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã có dấu hiệu bị mốc

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, thời tiết thay đổi thất thường, làm gia tăng các loại vi khuẩn, nấm mốc gây hại, khi đó các loại thực phẩm nếu không được bảo quản tốt sẽ có nguy cơ bị mốc. Một trong những lưu ý khi sử dụng thực phẩm thời gian này là tuyệt đối không được ăn các loại hoa quả hoặc thức ăn đã có dấu hiệu nhiễm nấm mốc.

Theo vị chuyên gia dinh dưỡng này, một số người có thói quen, khi thấy hoa quả chỉ mới chớm bị mốc ở bề mặt bên ngoài, tức là chỉ cần gọt phần mốc đi có thể tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm, bởi lẽ, nếu nấm mốc đã xuất hiện bên ngoài chứng tỏ chúng cũng đã phát triển cả bên trong quả. Do đó, tốt nhất, không nên tiếc rẻ mà nên vứt đi, tránh gây hại cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, khi ăn phải các loại hạt, ngũ cốc nhất là các lọa chứa nhiều dầu đã bị mốc sẽ rất nguy hiểm đến chức năng gan. Nếu thường xuyên ăn phải các loại hạt bị mốc sẽ có nguy cơ bị ung thư. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, nên để các loại hạt, ngũ cốc trong hộp kín hoặc túi nilon buộc kín để nơi khô thoáng để tránh vi khuẩn gây hại xâm nhập.

Theo Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG