UBND TPHCM vừa có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cử khu rừng phòng hộ Cần Giờ trở thành khu Ramsar nhằm nâng cao công tác quản lý bảo tồn và khai thác tài nguyên có hiệu quả.
Ramsar là một Công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng hợp lý đất ngập nước và các nguồn tài nguyên từ đất ngập nước. Khu Ramsar là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được ban thư ký Công ước Ramsar công nhận. Hiện nay Việt Nam có 9 khu rừng ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới và mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ có 13 khu đất ngập nước được công nhận.
Công văn này dựa trên cơ sở đề xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ. Theo đề xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, hiện nay với diện tích gần 35.000 ha rừng ngập mặn, rừng phòng hộ Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TPHCM) có các hệ sinh thái phong phú, là nơi sinh sống cho nhiều loại động, thực vật hoang dã có giá trị kinh tế, khoa học và đóng góp nhiều giá trị to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ gìn giữ môi trường sinh thái, ổn định đời sống cho dân cư địa phương và các vùng lân cận.
Rừng phòng hộ Cần Giờ |
Cũng theo đề xuất của Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, vùng đất ngập nước Cần Giờ gắn liền với hệ sinh thái rừng ngập mặn được phục hồi sau chiến tranh và được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam. Chính vì thế, hiện nay khu rừng ngập mặn Cần Giờ đã đáp ứng 4/8 tiêu chí của tổ chức công ước Ramsar quy định, đủ để đề xuất công nhận trở thành khu Ramsar.
Vì thế trên cơ sở đề xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, UBND TPHCM đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất nội dung báo cáo đề xuất nhằm có cơ sở pháp lý để thành phố triển khai thủ tục lập hồ sơ và đề cử công nhận rừng phòng hộ Cần Giờ thành khu Ramsar.
Khu rừng phòng hộ Cần Giờ nhìn từ trên cao |
Theo UBND TPHCM, việc công nhận rừng phòng hộ Cần Giờ là khu Ramsar sẽ tạo thêm uy tín cho TPHCM trong mở rộng các quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế về quản lý có hiệu quả các vùng đất ngập nước, tạo thêm tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế và tiếp cận được nhiều thông tin phục vụ cho việc quản lý, sử dụng bền vững đất ngập nước, tiếp cận sự hỗ trợ của quốc tế thực hiện các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn đất ngập nước…