Rung chấn

Rung chấn
TP - Nhiều “kết luận” về đập thủy điện Sông Tranh 2, đang gây rung chấn xã hội không thua rung chấn do động đất gây ra.

> 'Sao lại nói chúng tôi kém hiểu biết?'

Những rung chấn địa chất liên tiếp trong thời gian qua, mạnh dần đến 4,2 độ Richter, có lúc khiến người dân ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, hoảng loạn bỏ chạy.

Còn kết luận của đoàn khảo sát ở Viện Vật lý địa cầu, đưa ra sau 5 ngày làm việc, “các trận động đất không gây ảnh hưởng đến an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2”, lập tức bị phản ứng “không thể tin”.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong nói: “Chưa có trạm đo động đất ở Bắc Trà My mà khẳng định đập Sông Tranh 2 không ảnh hưởng là không thể tin”.

Ông Lê Quang Thanh, Vụ Khoa học tự nhiên (Bộ KH&CN), cho rằng phải lắp thêm nhiều trạm địa chấn và mất 3-4 năm nghiên cứu “mới kết luận được”.

Hồi tháng 3-2012, đập thủy điện Sông Tranh đã khiến người dân huyện Bắc Trà My hoảng hốt vì thông tin nước rò rỉ qua đập. Đoàn công tác của Bộ Xây dựng khảo sát và chiều 21-3, thông báo nguyên nhân chính gây rò rỉ nước là không có đường ống thoát nước kết nối, khiến nước đọng chảy và thấm qua thân đập.

Tháng 6-2012, đập Sông Tranh 2 được đem ra tranh luận tại Quốc hội. Phiên chất vấn ngày 14-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định “đập đã an toàn”.

Nay lại rung chấn liên tục, vấn đề an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 càng trở nên nghiêm trọng. Còn trong giai đoạn bảo hành hai năm mà đập đã “rò rỉ nước”, thì tuổi thọ công trình sẽ thế nào?

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải nhận xét: “Trước tới nay, phát ngôn về đập Sông Tranh 2 đều thấy câu “đến nay đập vẫn an toàn”, mà chưa ai dám khẳng định tương lai đập an toàn”.

Phía dưới đập, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam Trần Xuân Thọ cho biết, có hơn 1,5 triệu dân. Đập cao 96 m, dung tích hồ chứa vào loại lớn nhất miền Trung, khoảng 730 triệu m3 nước.

Rung chấn xã hội của đập Sông Tranh 2, xoay quanh nỗi lo an toàn cuộc sống, tức là “văn hóa an ninh công trình”, không phải giải quyết sự cố mà ở chỗ ngăn ngừa khủng hoảng.

Tại phiên chất vấn ở Quốc hội tháng 6-2012, sau khi các bộ trưởng giải trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Các đồng chí nói vậy tôi thấy rõ và yên tâm, nhưng cũng phải củng cố lại kết luận của mình. Bây giờ có phải di dân hay không, có chắc chắn là 3 an toàn không?”. Câu hỏi đến nay chưa được trả lời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.