Rùa lên bãi Nhơn Hải đẻ trứng. Ảnh: Vivu Nhơn Hải |
Liên quan công tác bảo vệ rùa tại xã Nhơn Hải, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi cùng với ông Chu Thế Cường và bà Bùi Thị Thu Hiền - cán bộ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN Việt Nam.
PV: Khu vực bãi biển xã Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn) có những điều kiện gì mà rùa biển lại thường xuyên xuất hiện săn mồi, lên bãi đẻ trứng? Dưới góc độ chuyên môn, IUCN Việt Nam có đánh giá gì về những tín hiệu tích cực tại đây?
Cán bộ tổ chức IUCN Việt Nam: Khu vực xã Nhơn Hải là bãi đẻ truyền thống của rùa xanh (hay còn gọi là vích). Trước đây, các loài rùa biển đã lên đẻ tại nhiều bãi cát như Hải Giang, Nhơn Hải. Tuy nhiên, hiện tại do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tác động của con người mà số lượng rùa biển lên đẻ và khu vực bãi đẻ đã giảm đi rất nhiều.
Một trong những điểm rất đặc biệt của rùa biển là khả năng di cư xa, định hướng và trở lại vùng biển nơi chúng được sinh ra để sinh sản. Nên những cá thể vích lên đẻ trứng tại Nhơn Hải ngày hôm nay chính là những con đã được sinh ra tại đây cách đây 20 - 30 năm.
Cũng có thể nói khu vực xã Nhơn Hải hiện đang có môi trường trong lành, thức ăn phong phú và tương đối an toàn nên rùa biển mới quay lại để sinh sản. Nhưng cũng lưu ý rằng nếu như không làm tốt công tác bảo vệ, nhất là việc gây nhiễu động quá trình sinh sản của chúng như tập trung đông người, quay phim chụp ảnh với ánh sáng gắt… có thể chúng sẽ không quay trở lại đây để sinh sản trong những năm tới.
PV: Qua chuyến khảo sát tại Nhơn Hải, ông bà có đánh giá gì trong việc bảo vệ, ấp nở trứng rùa?
Cán bộ tổ chức IUCN Việt Nam: Chúng tôi nhận thấy rùa biển đã được quan tâm và nhận được sự ủng hộ của người dân, chính quyền tại đây. Ngay khi nhận được thông tin về rùa biển lên đẻ tại Nhơn Hải và được liên hệ hỗ trợ cứu hộ, chúng tôi đã có những hướng dẫn cho địa phương và các thành viên Tổ Cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải để quản lý và đã thực hiện tốt việc này.
Tuy còn một số vấn đề nhỏ liên quan đến kỹ thuật nhưng chúng tôi tin rằng với sự hỗ trợ về chuyên môn của Chi cục thủy sản và các đơn vị chuyên môn khác, thì việc cứu hộ sẽ ngày càng tốt hơn. IUCN cũng cam kết sẽ hỗ trợ tập huấn cứu hộ rùa biển cho nhóm tình nguyện viên tại địa phương.
Rùa con chào đời sau nhiều ngày ấp nở trên bãi biển Nhơn Hải. Ảnh: Trương Định |
PV: Theo phản ánh của xã Nhơn Hải, tỷ lệ trứng rùa nở thời gian qua chỉ ở mức trên trung bình (trên 50%), đây là tỷ lệ cao hay thấp?
Cán bộ tổ chức IUCN Việt Nam: Trứng rùa nở khoảng 50% là tỷ lệ không cao nhưng cũng không phải là thấp. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nở của rùa biển, như điều kiện môi trường ấp (nhiệt độ bãi, độ ẩm, ô nhiễm…).
Qua kiểm tra ổ trứng sau khi nở, chúng tôi nhận thấy các quả trứng đều có phôi phát triển nhưng chết ở giai đoạn sắp nở và thời gian ấp tương đối ngắn nên có thể cho rằng nhiệt độ tại bãi ấp cao hơn mức trung bình đã làm cho một số quả trứng không phát triển đến giai đoạn nở được.
PV: Trong công tác bảo vệ rùa lên bãi đẻ, ấp trứng, IUCN Việt Nam có khuyến cáo nào?
Cán bộ tổ chức IUCN Việt Nam: Chúng tôi cho rằng cần chú ý theo các giai đoạn như sau:
Khi rùa mẹ lên bãi để đào ổ và đẻ trứng không nên tụ tập đông người, ồn ào, bật đèn quay phim chụp ảnh, giữ rùa mẹ lại… Những hành động này có thể làm nhiễu động rùa biển khiến chúng không quay lại bãi biển đó để đẻ. Có thể nói rằng việc cứu hộ tốt nhất mà chúng ta có thể thực hiện là để cho rùa biển tự do đào tổ, đẻ trứng và quay về biển.
Đối với ổ trứng, nếu phải di dời sang một địa điểm khác thì phải lựa chọn khu vực không bị ô nhiễm, không bị ngập nước biển và nên che chắn giảm nhiệt độ vào tháng nắng nóng.
Còn đối với rùa biển con, nên thả ngay khi chúng vừa nở, không giữ lại quá lâu. Hãy để rùa con tự tìm đường đi ra biển, không chiếu đèn hoặc cầm nắm con non khi thả để rùa con có thể cảm nhận được môi trường xung quanh, ghi nhớ lại vị trí chúng sinh ra để sau 20 - 30 năm sẽ quay lại vùng biển này để tiếp tục sinh sản.
Xin cảm ơn ông, bà!