'Ông đỡ' mát tay của... rùa biển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù chẳng lương thưởng nhưng với tình yêu thiên nhiên và hơn hết là muốn bảo vệ loại động vật quý, những người đàn ông tình nguyện viên bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định) trở thành “bà đỡ” cho rùa. Trong đó có thể kể đến anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng (38 tuổi), thành viên trong Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải. Chẳng quản đêm hôm, cứ nhận được tin báo rùa đẻ anh Sáng lại tức tốc có mặt để hỗ trợ. Đến nay anh đã tận tay đỡ đẻ cho 5 cá thể rùa.

Thức canh rùa đẻ

Anh Sáng chia sẻ, thông thường từ tháng 4 đến cuối tháng 9 là thời điểm rùa lên bãi tìm nơi làm ổ trứng đẻ trứng, chủ yếu là loại rùa xanh (còn gọi là vích), ngư dân địa phương gọi là “đú”. Trước kia, dọc bãi biển của xã Nhơn Hải đều có dấu rùa lên đẻ, tuy nhiên hiện nay chỉ còn phát hiện rùa đẻ ở bãi biển của thôn Hải Đông.

Theo anh Sáng, rùa thường chọn những vị trí yên tĩnh, không ánh sáng để làm ổ đẻ trứng. Khi rùa bò lên tìm nơi đẻ trứng nếu thấy không an toàn thì chỉ bò loanh quanh, rồi tìm đường xuống biển. Hiện nay, cũng do một số yếu tố nên các ổ trứng rùa đẻ thường nằm sát mép biển, do vậy nguy cơ bị sóng đánh trôi rất cao.

'Ông đỡ' mát tay của... rùa biển  ảnh 1

Anh Sáng (ngoài cùng bên phải) cùng lực lượng chức năng trong một lần hỗ trợ rùa đẻ

Ảnh: NVCC

Anh Sáng nhớ như in lần đầu đỡ đẻ cho rùa được 97 trứng. Cá thể rùa mẹ cân nặng khoảng 80kg, dài 98cm, được tổ công tác của xã Nhơn Hải phát hiện vào lúc 21 giờ ngày 29/6/2021, trong lúc đi kiểm tra tình hình phòng chống dịch COVID-19.

Cũng do vị trí ổ nằm sát mép nước nên sau đó anh đã đề xuất với UBND xã, Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản xã Nhơn Hải cho phép dời ổ trứng đến vị trí khác để bảo vệ. Thông qua sự kết nối hỗ trợ của Chi cục thủy sản tỉnh Bình Định với điều phối viên của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), qua ngày hôm sau ổ trứng rùa được di dời đến nơi an toàn và kết quả cũng ngoài sự mong đợi với tỷ lệ trứng nở đạt rất cao.

'Ông đỡ' mát tay của... rùa biển  ảnh 2

Những chú rùa con chui lên từ ổ sau hơn 50 ngày ấp Ảnh: NVCC

Một điều khá thú vị ở loài rùa được anh Sáng tìm hiểu và chia sẻ đó là, khi chúng được sinh ra ở đâu thì sau này sẽ tìm về chính nơi đó để đẻ trứng. Chu kỳ từ lúc sinh ra tới lúc tìm về đẻ có thể kéo dài đến hàng chục năm. Do vậy việc bắt gặp được rùa đẻ cũng rất hiếm nên hễ nghe tin báo có dấu vết rùa hoặc rùa lên bãi đẻ trứng thì anh Sáng lại tức tốc có mặt để hỗ trợ, bảo vệ.

Sau khi khảo sát được vị trí làm tổ, rùa mẹ sẽ dùng 2 chân sau để đào ổ, mỗi ổ đẻ sâu khoảng chừng 40cm. Điều đặc biệt, rùa thường đào nhiều hố để ngụy trang tránh ổ trứng bị tấn công. Khi đẻ xong, rùa mẹ hất cát lấp ổ giấu trứng xong mới trở về biển.

Theo anh quan sát, khung giờ rùa lên bờ tìm nơi làm tổ khoảng từ 19 đến 21 giờ, thời gian rùa đẻ trứng kéo dài 30 phút đến một tiếng, mỗi lần rùa đẻ từ 80-100 trứng. Quá trình hỗ trợ, bảo vệ cho rùa đẻ cũng rất tỉ mỉ, chu đáo và cũng cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị, có hôm công việc phải kéo dài đến tận sáng hôm sau.

'Ông đỡ' mát tay của... rùa biển  ảnh 3

Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng Ảnh: Trương Định

“Sau khi canh cho rùa đẻ thì cũng phải bảo vệ cho rùa về lại biển, tránh để người dân hiếu kỳ lại xem khiến rùa nhát, sau này không dám lên đẻ nữa. Rồi cũng phải tìm hiểu, đánh giá nếu vị trí không an toàn thì phải di dời trứng đến vị trí khác để đảm bảo cho trứng nở đạt tỷ lệ cao”, anh Sáng nói đồng thời cho hay, trong năm nay tại khu vực bãi biển Hòn Khô cũng có dấu rùa lên đẻ, tuy nhiên do không được phát hiện để di dời lên cao nên trứng rùa bị sóng đánh trôi ra biển. Khi phát hiện đem về thì trứng gần như bị hỏng, không nở.

Hạnh phúc vỡ òa

Một kỷ niệm đáng nhớ và cũng là hạnh phúc nhất đối với anh Sáng đó chính là lần đầu tiên khi tham gia đỡ đẻ cho rùa và khoảng hai tháng sau anh nhận được tin báo trứng rùa đã nở.

Ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết, hiện nay địa phương đã khoanh vùng bãi đẻ cho rùa tại mũi Cồn thuộc thôn Hải Đông với diện tích khoảng 1.000m2. Vào thời điểm rùa đẻ trứng, địa phương yêu cầu người dân hạn chế tập trung và cũng cấm tuyệt đối không được vào đào ổ. Từ khi đi vào hoạt động, đến nay, Tổ cộng đồng mang lại những kết quả rất tích cực, thông qua các hoạt động tuyên truyền ý thức người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, rạn san hô cũng như bảo vệ rùa biển… được nâng lên đáng kể.

“Hôm ấy, tôi đang ngồi ăn cơm tối thì có điện thoại gọi đến báo là trứng rùa đã nở. Tôi không kịp nghĩ gì nhiều, đứng dậy chạy tới đó luôn. Cảm giác như có gì đó thôi thúc, một niềm hạnh phúc rất khó tả. Có lẽ đây không chỉ là thành quả của công việc mà nó như là một sự chờ đợi với những đứa con của mình, chỉ muốn chạy đến ngay để nhìn mặt”, anh Sáng nhớ lại.

Theo anh Sáng, hiện nay ý thức của người dân trong việc bảo vệ rùa rất tốt, anh dẫn chứng việc những em nhỏ khi thấy rùa lên bãi thì cũng lập tức báo cho người lớn biết, rồi người dân cũng gọi điện cho anh hoặc Tổ cộng đồng để tới để bảo vệ.

Anh Sáng nói, không chỉ riêng việc đỡ đẻ cho rùa, ngay từ những công việc góp phần bảo vệ môi trường, thiên nhiên khác được lan tỏa, ý thức người dân cũng dần được tốt hơn. Anh dẫn chứng có những trường hợp người dân đi đánh lưới bắt được rùa cũng gọi anh tới để bàn giao và hỗ trợ thả về biển.

Hằng ngày, những lúc rảnh rỗi anh Sáng lại lên mạng tìm hiểu, để trau dồi thêm kiến thức trong việc quan sát dấu vết của rùa lên bờ đẻ trứng, xem cách đưa trứng đến nơi an toàn, cách ấp trứng cũng như việc thả những chú rùa con về biển như thế nào cho an toàn.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, kiêm Tổ trưởng Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản của xã cho hay, trong Tổ anh Sáng được giao phụ trách một số công việc, điển hình nhất là tham gia bảo vệ rạn san hô và hỗ trợ, bảo vệ rùa sinh sản. Việc này anh Sáng làm rất tích cực.

Riêng trong năm 2021, Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải đã tham gia bảo vệ 5 lượt rùa biển lên bãi biển mũi Cồn, thôn Hải Đông để đẻ trứng. Kết quả có 3/5 ổ trứng đã nở thành công với tỉ lệ nở đạt 54%.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.