Rồng rắn xin thất nghiệp

Rồng rắn xin thất nghiệp
TP - Số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khu vực TPHCM và các tỉnh miền Đông tăng đột biến, có tháng tới hơn vạn người đăng ký xin hưởng chế độ. Trong khi đó hàng loạt doanh nghiệp dùng đủ chiêu săn đón lại không tuyển đủ lao động (LĐ)...

> Trốn đóng BHXH: Cần xem là tội danh
> Đình công do tăng ca nhiều, lương thưởng ít

Mỗi ngày có hàng trăm người đến đăng ký thất nghiệp để được nhận tiền trợ cấp (Ảnh chụp tại TTGTVL tỉnh Bình Dương ngày 9-2. Ảnh: Song Nguyễn
Mỗi ngày có hàng trăm người đến đăng ký thất nghiệp để được nhận tiền trợ cấp (Ảnh chụp tại TTGTVL tỉnh Bình Dương ngày 9-2. Ảnh: Song Nguyễn.

Tăng đột biến

“Tình trạng đăng ký BHTN tăng mạnh thời gian gần đây và mỗi tháng có trên chục nghìn người, thậm chí có tháng, có trên 12.000 người đăng ký hưởng chế độ thất nghiệp”- ông Nguyễn Cao Thắng-Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) TPHCM (đơn vị quản lý tình hình đăng ký thất nghiệp tại địa bàn thành phố) thốt lên khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều ngày 9-2.

Ông Thắng cho biết, trong năm 2011, số lượng người LĐ đến làm thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ở thành phố lên tới trên 105.737 người, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Bình quân mỗi tháng, cơ quan chức năng đã chi trả bảo hiểm thất nghiệp gần 40 tỷ đồng. Bước sang tháng 1-2012, số người đăng ký BHTN là 8.996 người, tăng 138% so với cùng kỳ năm trước và tăng đến 194% so với tháng 12-2011.

Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, tại 6 điểm đăng ký BHTN trên địa bàn thành phố (trực thuộc Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM) luôn đông đúc người đến tìm hiểu thủ tục và đăng ký BHTN. Tại quầy hướng dẫn của TTGTVL Đồng Nai, nhân viên liên tục phát hồ sơ và hướng dẫn người đăng ký. Các bàn nhận hồ sơ làm việc không ngơi nghỉ.

Chị Võ Thị Quế có thời gian làm việc hơn 1 năm tại một công ty may giày da ở TP Biên Hoà đang chờ đến lượt vào nộp hồ sơ cho biết: “Tôi xin nghỉ việc ở công ty cũ bởi mức lương làm việc không tương xứng”. Chị Quế dự định sẽ tìm một công ty khác có mức thu nhập khá hơn.

Theo chị Quế thì việc nghỉ việc nơi này làm nơi khác đối với công nhân may gần như phổ biến bởi mức thu nhập không cao. Số liệu của Phòng BHTN (TTGTVL Đồng Nai) cho thấy trong tuần làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, nơi đây đã nhận 849 hồ sơ đăng ký BHTN, tăng gần gấp đôi so với tuần cuối trước kỳ nghỉ Tết.

Theo ông Lê Chí Sinh, phụ trách phòng BHTN, người đăng ký BHTN ở Đồng Nai chủ yếu do chuyển việc là chính, một số ít doanh nghiệp giải thể, sáp nhập dẫn đến cắt giảm LĐ. Đồng Nai cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ chi trả BHTN cao trong cả nước, năm 2011 tỉnh đã giải quyết trên 24 ngàn hồ sơ BHTN và chi trả trên 88 tỷ đồng.

Tại Bình Dương, so với thời điểm này của năm trước số người đăng ký BHTN có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Ông Ngô Nguyễn Thái Hằng- Trưởng phòng BHTN, TTGTVL Bình Dương cho biết, tính từ đầu năm 2012 đến ngày 6-2, có 7.526 người đến đăng ký BHTN. Trong đó có 3.056 người nộp hồ sơ, 2.313 người có quyết định hưởng BHTN.

Bà Phạm Thị Thêu, cán bộ Phòng BHTN của TTGTVL Hà Nội cho biết, trong tháng 1-2012, số lượng LĐ thất nghiệp đăng ký và hoàn thiện hồ sơ hưởng BHTN vẫn tiếp tục gia tăng. Tính riêng trong tháng 1 năm 2012, đã có 1.467 người đăng ký BHTN, trong đó hơn 500 người có trình độ cao đẳng, đại học. Trong đó, Cty TNHH có số lượng LĐ thất nghiệp đăng ký nhiều nhất là 781 người.

“Qua phân tích số liệu cho thấy, không phải chỉ có LĐ phổ thông mà ngay cả LĐ có trình độ cao cũng bị thất nghiệp. Đây là điều khác biệt so với thời gian trước đây khi chủ yếu LĐ phổ thông bị thất nghiệp” - bà Thêu nói. Cũng theo bà Thêu, trong tháng 1-2012, số tiền chi BHTN lớn hơn so với cùng thời gian năm ngoái, khi tăng tới 7,665 tỷ đồng.

Thất nghiệp ảo và trục lợi

Theo ông Nguyễn Cao Thắng, trên 90% số người làm BHTN là người có thu nhập thấp, phần còn lại là người có thu nhập trung bình trở lên. Điều đáng lưu ý, có nhiều LĐ có mức lương cao, giữ vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp cũng đăng ký thất nghiệp. Theo thống kê, những người này có mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 4 triệu đến gần 10 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 7% tổng số người đăng ký thất nghiệp trong năm.

Cũng theo ông Thắng, việc số lượng người đăng ký BHTN gia tăng mạnh, một mặt do ngày càng nhiều người biết về chính sách BHTN nên đăng ký, nhưng cũng có không ít LĐ lợi dụng kẽ hở của pháp luật đăng ký thất nghiệp để trục lợi.

Thời gian qua, ông Thắng cho biết, TTGTVL TPHồ Chí Minh đã phát hiện được nhiều trường hợp trục lợi bằng một số hình thức khác nhau. Theo quy định, ngoài một số trường hợp đặc biệt, còn lại trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, người thất nghiệp phải trực tiếp đến TTGTVL nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thông báo về việc tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, không ít trường hợp đã có việc làm nhưng không khai báo và tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, có nhiều trường hợp, trong thời gian chờ hưởng chế độ BHTN (15 ngày kể từ thời điểm khai báo thất nghiệp), người làm hồ sơ BHTN có việc làm trở lại nhưng vẫn không chịu khai báo để tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm đã phát hiện và thu hồi tiền của một số trường hợp, mức tiền thu hồi từ 3-8 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, ông Thắng thừa nhận, số phát hiện và thu hồi được là quá nhỏ so với số gian lận chưa được phát hiện. Trong đó, có không ít trường hợp số tiền người hưởng trợ cấp thất nghiệp trục lợi với số tiền lớn bởi thu nhập của họ trong thời gian đi làm trước đó là rất cao. Cùng với số này, nhiều người lao động chủ động nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây cũng là một hình thức trục lợi và góp phần làm cho tình trạng thất nghiệp ảo tăng cao.

“Trong khi đó, các quy định hiện hành của Nhà nước mới chỉ nói chung chung rằng ngăn cấm các hành vi gian lận trong BHTN (như kê khai không đúng sự thật) chứ chưa có những quy định cụ thể các mức gian lận, vi phạm để có những hình thức xử lý tương thích, kể cả truy tố trước pháp luật. Trong khi đó, các TTGTVL, một mặt không đủ sức để kiểm ra phát hiện những vụ gian lận; mặt khác không có công cụ gì để ngăn chặn việc này”- ông Thắng nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, trong năm 2011, chi trả trợ cấp thất nghiệp hơn 1.000 tỷ đồng. Theo vị này, trách nhiệm giám sát LĐ khai BHTN là cơ quan việc làm vì cơ quan này là đơn vị trực tiếp xét duyệt hồ sơ cho LĐ, còn phía BHXH chỉ là cơ quan chi trả.

Vì thế, Nhà nước cần phải sớm có phương pháp để ngăn chặn tình trạng LĐ lợi dụng kẽ hở từ chính sách BHTN để trục lợi, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những LĐ bị thất nghiệp thực sự. Phải làm sao để việc chi trả trợ cấp thất nghiệp đúng đối tượng được thụ hưởng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG