Không lâu sau khi vào sân, Ronaldo đoạt bóng từ Juanito bằng cú giật gót điệu nghệ, rồi dẫn bóng về phía trước, hướng sang cánh trái, sau đó rê bóng về phía khung thành của thủ môn Toni Prats. Từ vị trí vô cùng hẹp ở góc trái, nhằm vào khung thành mở của đối phương, Ronaldo ra chân, đưa bóng tới góc xa, tránh được nỗ lực truy cản của Rivas. Đó là pha ghi bàn độc đáo thể hiện kỹ thuật, năng lực kiểm soát, tiềm năng và tài năng thiên bẩm.
Ronaldo bộc phát ăn mừng, anh chạy khắp sân, gửi một nụ hôn gió tới các CĐV. Và đấy là bàn thắng đầu tiên trong màu áo Sporting ở một trận đấu chính thức của Ronaldo, giúp đội nhà giành chiến thắng 3-2.
Báo chí Bồ Đào Nha hôm sau gọi bàn thắng của Ronaldo là “kiệt tác nghệ thuật”, và gọi chàng trai 17 tuổi ấy là “Cậu bé cưỡi Rồng”.
Sở dĩ Ronaldo được gọi là “Cậu bé cưỡi Rồng” vì thời điểm đó, thế giới đang phát sốt với tác phẩm “Eragon - cậu bé cưỡi Rồng” của nhà văn Mỹ Christopher Paolini. Đây là cuốn sách đầu tiên trong bộ 3 tác phẩm kinh điển “Inheritance Cycle” (Di sản để lại) làm mê mẩn hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới bằng những cuộc phiêu lưu kỳ thú của cậu bé Eragon trên lưng con rồng Saphira trong thế giới tưởng tượng mang tên Alagaesia.
7 năm sau, Ronaldo trở lại quê nhà khi MU gặp Porto ở tứ kết Champions League. Anh khiến cả “hang Rồng” Dragao của “bầy Rồng” Porto phải câm lặng bằng một cú sút phạt sấm sét, giúp MU tiến vào bán kết. Người Bồ khi ấy, đã gọi lại tên anh: “Ronaldo - cậu bé cưỡi Rồng”.
Đêm 7/7 vừa qua, một lần nữa người ta chứng kiến Ronaldo ở tuổi 32 tiếp tục “cưỡi Rồng” và lần này là những chú Rồng đỏ xứ Wales.
Ronaldo leo lên lưng Rồng bằng một cú dậm nhảy cao 2m6 (mặc dù chiều cao của anh chỉ là 1m85). Khoảng cách dậm nhảy từ mặt đến chân siêu sao người Bồ là 0,76m. Thời gian diễn ra khoảnh khắc này cực nhanh, chỉ 0,7 giây, và trên lưng Rồng, anh tung ra một cú đánh đầu đưa bóng đi với tốc độ khủng khiếp, 71,3 km/h. Chính pha làm bàn này đã mở ra cuộc khuất phục Rồng đỏ - xứ Wales.