Rộn ràng khai mạc lễ hội Đền Bạch Mã ở phố cổ Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 3/3, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức trang trọng Lễ khai hội Đền Bạch Mã (76 phố Hàng Buồm), một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa.

Đến dự lễ khai hội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn. Về phía quận Hoàn Kiếm có ông Vũ Đăng Định, Bí thư quận ủy, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận.

Đền Bạch Mã trấn giữ phía đông thành Thăng Long, thờ thần Long Đỗ, người đã có công giúp Vua Lý Thái Tổ xây thành Đại La. Theo truyền thuyết và thần phả, vào năm 1010, Vua Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long và muốn mở rộng thành Đại La. Vua cho đắp thành nhưng hễ đắp lên lại bị sụp đổ, liền cho người đi hỏi dân chúng trong vùng mới biết ở đất này có hiển linh từ trước. Vua bèn sai biện lễ cầu đảo.

Đêm ấy, vua nằm mộng gặp thần Long Đỗ tới chúc mừng và dặn nhà vua rằng cứ theo dấu vó ngựa mà đắp thành, tất sẽ thành công. Sau đó, vua nhìn thấy một con ngựa trắng phi thẳng vào đền rồi biến mất. Sáng hôm sau, nhà vua thấy có dấu chân ngựa in trên mặt đất thành đường vòng tròn, bèn sai người cứ theo đó mà xây thành, đắp lũy. Thành sau khi xây xong rất chắc chắn, vững chãi. Biết ơn thần, nhà vua cho tạc một con ngựa trắng để thờ và ban sắc phong cho thần là “Thăng Long Thành hoàng Đại vương”.

Hằng năm, Lễ hội đền Bạch Mã diễn ra trong hai ngày, từ 12 đến 13 tháng Hai Âm lịch hàng năm để tưởng nhớ đến công ơn của thần Long Đỗ.

Từ sáng sớm, đội rước kiệu khởi hành từ đền Mã Mây đi qua các tuyến phố lớn để về đền Bạch Mã. Đi đầu là đội múa rồng, sư tử, tiếp đến là đội cờ, trống chiêng, sinh tiền, đánh bồng, bát âm, đội kiệu lễ vật và đội kiệu bát cống đền Bạch Mã, đội tế nam quan, dâng hương nữ. Trong đoàn rước còn có mục đồng và mô hình trâu với kích thước bằng trâu thật để làm lễ tiến Xuân Ngưu.

Đặc biệt, trong đoàn rước còn mô phỏng Lễ tiến Xuân Ngưu - dâng Trâu mùa Xuân - một nghi thức quan trọng của Lễ hội đền Bạch Mã từ xa xưa, với hình ảnh mục đồng, mô hình trâu có kích thước bằng trâu thật, quan tri phủ và hai quan tri huyện thành Thăng Long, cùng các lính hầu.

Tiếp đó là 5 kiệu lễ vật gồm hương đăng, thanh bông hoa quả, kiệu long đình, kiệu võng và sau cùng là khối quần chúng gồm các cụ bô lão, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh thiếu niên, học sinh, đại diện cho các tầng lớp nhân dân quận Hoàn Kiếm.

Một số hình ảnh khai mạc lễ hội Đền Bạch Mã:

Rộn ràng khai mạc lễ hội Đền Bạch Mã ở phố cổ Hà Nội ảnh 1

Từ 7h sáng 3/3, màn trống hội, múa lân bắt đầu diễn ra dọc tuyến đường Mã Mây - Lương Ngọc Quyến - Đền Bạch Mã.

Rộn ràng khai mạc lễ hội Đền Bạch Mã ở phố cổ Hà Nội ảnh 2

Múa lân - cờ hội - sinh tiền.

Rộn ràng khai mạc lễ hội Đền Bạch Mã ở phố cổ Hà Nội ảnh 3

Đi đầu là đội múa rồng, sư tử, tiếp đến là đội cờ, trống chiêng, sinh tiền, đánh bồng, bát âm, đội kiệu lễ vật và đội kiệu bát cống đền Bạch Mã với đầy đủ tàn, tán, lọng, đội tế nam quan, dâng hương nữ.

Rộn ràng khai mạc lễ hội Đền Bạch Mã ở phố cổ Hà Nội ảnh 4
Rộn ràng khai mạc lễ hội Đền Bạch Mã ở phố cổ Hà Nội ảnh 5
Rộn ràng khai mạc lễ hội Đền Bạch Mã ở phố cổ Hà Nội ảnh 6

Bà Trần Thị Nga, Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm đọc lời khai mạc Lễ hội Đền Bạch Mã.

Rộn ràng khai mạc lễ hội Đền Bạch Mã ở phố cổ Hà Nội ảnh 7

Đánh trống khai hội.

Rộn ràng khai mạc lễ hội Đền Bạch Mã ở phố cổ Hà Nội ảnh 8

Lãnh đạo thành phố, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm dâng hương tại đền.

Rộn ràng khai mạc lễ hội Đền Bạch Mã ở phố cổ Hà Nội ảnh 9
Rộn ràng khai mạc lễ hội Đền Bạch Mã ở phố cổ Hà Nội ảnh 10

Trong ngày 3-4/3, tại Đền Bạch Mã diễn ra các hoạt động văn nghệ truyền thống, ca trù, chầu văn... phục vụ du khách thập phương

MỚI - NÓNG