> Chìm tàu ở Quảng Nam, 7 người chết và mất tích
Quy định 12 người, chở cả trăm người
Có mặt ở bến đò Nam Phong vào buổi sáng sớm, chúng tôi không khỏi rợn người khi chứng kiến cả trăm em học sinh, giáo viên, người dân chen chúc trên chiếc thuyền cũ nát, ọp ẹp vượt sông Gianh mà theo quy định tải trọng chỉ có 12 người.
“Sợ lắm chú ơi! Khi mô cũng rứa, ít người họ không chở mô”, một học sinh nói khi vừa bước khỏi thuyền.
Chị Bình, một người dân địa phương cũng đi trên chuyến đò này, nói: Hơn 3.000 người của ba thôn Mã Thượng, Cao Trạch và Sảo Phong lâu nay phải đi lại bằng đò ngang.
“Mỗi lần con cái đi học là cha mẹ ở nhà lo thon thót. Không cho con đi học thì không được, nhưng để con ngồi trên chiếc thuyền cũ kỹ ni thì... chỉ biết nhờ trời thôi”, chị Bình nói.
Một số người dân muốn mở thêm bến đò để giảm áp lực, thậm chí có người đề nghị tự bỏ tiền túi ra làm một chiếc cầu phao nhưng chính quyền địa phương không đồng ý.
Người “chặt chém”, kẻ ưu tiên
Ngoài khách vãng lai, hoặc người dân đi khuya về sớm bị chủ đò hét giá tùy hứng, có khi lên đến 50 ngàn đồng lượt/người, gần 20 chục giáo viên mầm non, tiểu học và cán bộ trạm y tế hằng ngày qua lại trên chuyến đò này cũng bị chủ đò chặt chém.
Không chịu nổi mức giá 360 ngàn đồng cả người và xe máy mỗi tháng, hầu hết giáo viên ở đây đành phải gửi xe lại nhà quen ở bên này sông để qua đò, rồi đi bộ hơn 1km đến trường.
“Dù có ăn lương biên chế hay hợp đồng thì cũng không ai chịu nổi với mức giá đó cả. Chúng tôi đã phản ánh nhiều rồi nhưng không ai giải quyết. Bỏ nghề thì không được nên đành bỏ xe lại để đi bộ, vất vả đó nhưng còn tiết kiệm được ít tiền trang trải cho cuộc sống”, một giáo viên nói.
Theo phản ánh của các giáo viên ở đây, trước Tết nguyên đán, tiền đò chỉ có 150 ngàn đồng; ngay sau Tết, chủ đò thông báo tăng giá lên 360 ngàn đồng, “ai không trả mức đó thì không được đi đò”.
Cô giáo Đoàn Thị Minh, Hiệu trưởng trường tiểu học số 2 Phong Hóa, nói: “Chủ đò nói là thực hiện giá mới theo quyết định của UBND tỉnh, nên chúng tôi cũng không dám thắc mắc.
Dạy tiểu học như chúng tôi ngày đi 2 buổi, qua lại 4 lần, hết 12.000 đồng. Thấy anh em đồng tình cùng nhau đi bộ, chủ đò bị thất thu nên có nói lại là giảm xuống 300 ngàn. Như thế vẫn quá cao, nên mọi người lại tiếp tục đi bộ”.
Trong khi đó, cán bộ xã Phong Hóa đi đò lại được chủ đò phục vụ miễn phí, tận tình bất cứ giờ nào.
Chủ tịch xã Phong Hóa, ông Trần Thanh Hương, nói: Bến đò được đấu thầu 1,4 triệu đồng/tháng. Về an toàn đi lại và mức phí được xã quản lý rất chặt chẽ, chủ đò chỉ được thu với mức phí 60 - 80 ngàn đồng/tháng; 1 ngàn đồng đối với người đi bộ, 2 ngàn đồng đối với người xe đạp và 3 ngàn đồng người đi xe máy. Ông Hương tỏ ra ngạc nhiên “làm gì có chuyện đó” khi nghe thông tin chủ đò lấy của giáo viên 360 ngàn đồng/tháng. Về việc cán bộ xã được đi đò miễn phí, ông Hương giải thích: “Cán bộ xã lương bổng thấp, lại phục vụ nhiều nơi, đi lại suốt nên phải được miễn phí chứ. Còn giáo viên và cán bộ y tế xã chỉ phục vụ một điểm nên phải đóng mức thu phí qua đò là điều đương nhiên”.
Giải thích việc không thêm đò, hoặc làm cầu phao để giảm sức ép và an toàn cho người đi lại, ông Hương nói: “Tuy nhu cầu đi lại của người dân rất lớn nhưng vì sắp làm cầu xuyên Á nối từ Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), nên không cần thiết tăng cường thêm đò nữa.
Với lại, bến đò cũng gắn với cuộc sống của người lái thuyền nên chỉ có một chủ, chứ thêm nhiều người họ sẽ khó làm ăn, khi đó giá cả sẽ tăng thêm và còn phức tạp nhiều chuyện nữa”.
Huyện Quảng Trạch cũng có sông Gianh chảy qua, nhưng ở đây giáo viên qua đò đều được chính quyền ưu tiên. Một xã nghèo như Quảng Minh, với quan điểm, đò ngang chủ yếu là phục vụ nhân dân đi lại chứ không mang tính kinh doanh, nên mỗi năm xã này chỉ thu của chủ đò vài triệu đồng. Giáo viên qua đò ở đây được miễn phí. |