> Đại học Huế xét tuyển bổ sung đợt bốn
ĐH công lập tốp dưới cũng khó tuyển sinh
Đến ngày 27-9 (so với hạn chót tuyển sinh là 30-9-2012) ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tuyển vừa đủ chỉ tiêu 1.346. Ông Đoàn Văn Vệ, Trưởng phòng Đào tạo, nói: Sau khi tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung đợt 2, gọi 1.000 thí sinh nhưng cũng chỉ 470 thí sinh đến.
Tuy nhiên, theo ông Vệ, năm trước phải gọi đến NV3 mới đủ, nhưng thời gian chờ đợi từ NV2 đến NV3 kéo dài mà thí sinh đến vẫn không đủ chỉ tiêu.
Theo phương án tuyển sinh năm nay, thí sinh đến đủ và trường không phải chờ đợi lâu, nhập học ngay. ĐH Sư phạm Hà Nội cũng tuyển gần đủ và hiện gọi bổ sung lần 2 cho các ngành Sư phạm kỹ thuật, CĐ công nghệ thiết bị trường học.
Ở tốp sau, ĐH Lâm nghiệp Xuân Mai cũng đạt 2.100 thí sinh đến học sau lần gọi bổ sung thứ 2, chỉ còn thiếu mấy trăm thí sinh và đã gọi học lần 3 cho một số ngành Cơ khí, CNTT, Chế biến lâm sản.
Ông Trần Hữu Viên, Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp Xuân Mai, nói: Trường gọi đến khi đủ người học thì thôi. ĐH Thái Nguyên vẫn còn hàng nghìn chỉ tiêu dành cho thí sinh đến học và trường này cũng sẽ tuyển bổ sung khi nào đủ mới thôi.
ĐH dân lập mệt mỏi
Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết: Sau lần gọi thứ nhất, tuyển được 65% chỉ tiêu và hiện nay còn thiếu vài nghìn thí sinh, đang tiếp tục gọi bổ sung. Ngày 27-9 là ngày thí sinh bổ sung bắt đầu nhập học.
Ông Hóa nói: Không biết bao nhiêu thí sinh sẽ đến học vì ảo nhiều quá! Theo ông, đợt 1 tuyển sinh có những thí sinh thi đỗ mà không đến học vì có hơi nhiều trường ĐH; nếu thí sinh trúng NV bổ sung đợt 2 vào những trường gần nhà hơn, thuận lợi hơn, các em sẽ vào đó học.
Ông than: “Tuyển sinh thế này mệt mỏi và tốn kém của cả xã hội. Ai đời tuyển sinh như cái chợ, thí sinh đến đâu thì đến , các trường chờ đợi thế này quá mệt mỏi”.
ĐH Dân lập Phương Đông sau lần gọi bổ sung thứ nhất được 1.100 sinh viên, còn thiếu một nửa chỉ tiêu và đang nhận hồ sơ lần 3. Ông Nguyễn Trọng Đặng, Phó phòng Đào tạo nhà trường, lý giải: Nhiều trường công hạ điểm đã lấy hết thí sinh; với phương án tuyển sinh năm nay, thí sinh được phép đợi nên cứ đợi.
“Hơn nữa, thí sinh còn được phô tô giấy chứng nhận kết quả thi nên có thí sinh đến trường tôi, cầm hàng tập giấy chứng nhận kết quả phô tô. Ngay ở trường tôi có thí sinh nộp 1 lúc 5 giấy vào 5 ngành khác nhau”, ông Đặng nói.
Một số nhà tuyển sinh than: Không biết con số nguồn tuyển dư mà Bộ GD&ĐT công bố có ảo hay không mà thí sinh ở đâu hết, khiến các trường chật vật không tuyển đủ người.
Rối không thể gỡ
“Cực kỳ khó khăn” là những từ mà GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập (NCL), dành để miêu tả tình trạng của các trường đại học công lập tốp dưới và NCL.
Lý do của hiện tượng này, theo ông Quân, là việc Bộ GD&ĐT cho phép kéo dài thời gian tuyển sinh và khi sinh viên còn được lựa chọn trong thời gian dài thì họ sẽ chọn đến những trường tốp trên và các trường tốp dưới phải chờ đợi .
Đó là lý do vì sao nhiều trường NCL cho đến nay tuyển sinh chưa được bao nhiêu. Nhiều trường công lập tốp dưới còn tuyên bố sẽ tuyển thêm, thậm chí hạ điểm để tuyển thêm. Vì vậy, ông Quân nói, tình hình rối không thể gỡ được.