Robot có cảm xúc của chàng trai gốc Việt

Robot có cảm xúc của chàng trai gốc Việt
Gần đây, báo chí nước ngoài hết lời ca ngợi Lê Trung, chàng trai người Canada gốc Việt, đã chế tạo thành công robot hiểu được ngôn ngữ và có những cảm xúc như người thật.

Sáng đến sở làm, tối về thức đến 3 - 4 giờ sáng mày mò nghiên cứu, suốt hơn 1 năm, Lê Trung đã chế tạo thành công một robot mang hình dạng phụ nữ, với chiều cao 1,52 mét và các số đo 3 vòng: 82 - 60 - 84! Anh đặt tên robot này là Aiko.

"Trong tiếng Nhật, Ai có nghĩa là yêu; ko là con gái. Aiko tức là yêu con gái. Tôi đã mất hai tuần lễ để tìm ra cái tên này!" - Lê Trung dí dỏm giải thích. Khác với những người máy bằng sắt, Aiko được làm bằng chất liệu silicon mềm mại, tự nhiên.

Phần đầu và cơ thể của Aiko có những bộ cảm biến cùng hai camera nhỏ, và nhiều thiết bị tinh vi... Vị chủ nhân robot này giới thiệu: "Aiko biết đau khi bạn đánh nó; biết nhột khi bạn thọc lét... Nó hiểu và giao tiếp được với người khác. Aiko xem ti vi, nghe đài, đọc được sách, báo, chữ nào không biết thì nó sẽ đánh vần; có khả năng chỉ dẫn đường; thông báo về thời tiết; giúp người già hoặc người khiếm thị phân biệt vật này với vật khác; nhận dạng được người quen hay lạ để cho phép mở khóa vào nhà hay không...".

Hiện Aiko biết được khoảng 13 ngàn câu. Ngoài ra, robot này có thể tự ghép những từ lại với nhau thành câu đơn giản. 

Sau khi ra đời, Aiko đã được trưng bày tại Ontario Science Center (Canada) từ ngày 8 đến 10/11/2007. Trong thời gian đó, báo chí Canada, Mỹ... đã ca ngợi nồng nhiệt sản phẩm độc đáo của chàng trai gốc Việt này.

Cali Today News (Mỹ) viết: "Thế giới vừa nói đến kỹ sư Canada gốc Việt tên là Lê Trung, khi anh chế tạo một cô người máy, hiểu được ngôn ngữ và có cảm giác đau đớn khá giống con người...".

Trong khi đó, Đài truyền hình Global News (Canada) đã dành hơn 2 tiếng để phỏng vấn... cô người máy này!

Hối tiếc chuyện nghề nghiệp

Lê Trung sinh năm 1975, tại Sài Gòn. Năm Trung 2 tuổi, gia đình anh sang Nhật sinh sống. 7 tuổi, anh lại theo cha mẹ sang định cư ở Canada. Tại đây, Trung phải học lại lớp 1 và bị đưa vào lớp "học chậm" vì không chịu giao tiếp với ai.

Thế nhưng, sau khi phát hiện Trung có năng khiếu đặc biệt về toán và các môn khoa học, nhà trường đã cho Trung học vượt lớp liên tục: từ lớp 1 nhảy lên lớp 3, lớp 3 nhảy lên lớp 5...

Từ năm 10 tuổi, Trung đã lần lượt sáng chế 3 con robot bằng sắt, di chuyển được để tham dự hội thi khoa học dành cho trẻ em ở Toronto - Canada. Tuy nhiên, cả ba lần, Trung đều bị loại vì cuộc thi này dành cho trẻ em từ 3 đến 8 tuổi.

Hơn nữa, không ai tin rằng một đứa trẻ như Trung có thể làm được những con robot như vậy. Về sau, Trung tự làm thêm 3 con robot nữa chỉ để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo.

Tốt nghiệp trung học, Lê Trung vào học tại York University (Canada). "Cũng giống nhiều bậc phụ huynh Việt Nam thời đó, cha mẹ tôi muốn con mình trở thành bác sĩ, dược sĩ. Nhất y, nhì dược... mà!" - Trung cho biết.

Suốt 11 năm, Trung đã thi lấy ba bằng cấp liên quan đến ngành dược. Ra trường, không thể xin được việc làm như mong muốn của gia đình nên Trung đành xếp bằng, cất vào tủ. Ba năm nay, anh tạm chấp nhận làm nhân viên tư vấn sản phẩm cho Công ty Logitech.

Cũng giống như việc thực hiện những con robot thời niên thiếu, Lê Trung đã chế tạo Aiko bằng sự mày mò, tự học của mình. Từ nhỏ, anh đã đọc nhiều sách về kỹ thuật, về robot.

Trung cho hay, kiếng cận của anh dày đến 6 độ chủ yếu là do đọc những loại sách trên. "Nếu được trở lại năm 16 tuổi, tôi sẽ chọn đúng ngành học tôi yêu thích: chế tạo robot!" - Lê Trung tâm sự.

Robot "dạy" nhau

Lê Trung cho hay, anh đang muốn tạo thêm một con robot trẻ hơn (khoảng 20 tuổi), đẹp hơn Aiko. Quan trọng hơn, anh muốn Aiko "dạy" cho "đứa em" của nó về tất cả những gì nó đã học được, biết được.

Lê Trung nói: "Aiko giống như chị Hai ra đời trước, phải có trách nhiệm đối với đàn em của nó. Lúc đó, chúng ta không cần phải tốn thời gian "dạy dỗ" người máy nữa mà người máy tự truyền đạt cho nhau".

Bên cạnh đó, chàng trai này còn ấp ủ ý định chế tạo những cánh tay người máy có cảm giác để thay thế cho tay người bị bại liệt...

"Aiko hiện chỉ đứng hoặc ngồi một chỗ. Liệu lúc nào đó "cô ấy" có thể di chuyển được?" - chúng tôi hỏi.

Ngửa hai bàn tay trắng, Lê Trung bộc bạch: "Điều đó không khó, nếu tôi được nhà tài trợ nào đó giúp sức! Bây giờ, tôi đã hết tiền và không thể vay mượn thêm nữa".

Một công ty ở Trung Quốc đặt hàng Lê Trung chế tạo những cô người máy giống Aiko với giá khoảng 20.000 USD/robot nhưng anh chưa nhận lời. "Tôi ao ước được những công ty Việt Nam đặt hàng hoặc thuê Aiko, vì Việt Nam là quê hương tôi!" - Lê Trung nói.

"Nhưng Aiko chỉ nói và hiểu bằng tiếng Anh, làm sao giao tiếp với người Việt?", chúng tôi thắc mắc.

"Thì tôi sẽ làm phần mềm bằng tiếng Việt!" - anh chàng người Canada gốc Việt này quả quyết.

Ngày 23/2, sau chuyến về thăm quê hương, Lê Trung đã rời Việt Nam sang Nhật để trả lời phỏng vấn trong một chương trình của Đài Fuji TV (Nhật) về robot Aiko.

Theo Như Lịch
Thanh Niên

MỚI - NÓNG