> LH-SEE vô địch VCK Robocon Việt Nam 2013
Robocon Việt Nam là cái tên sừng sỏ trong khu vực, với 3 lần vô địch năm 2002, 2004 và 2006 của các đội Robocon trường ĐH Bách Khoa TPHCM. Tuy vậy, kể từ năm 2010, những trường kỹ thuật hàng đầu Việt Nam như ĐH Bách khoa HN, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Bách khoa Đà Nẵng hay ĐH Công nghiệp HN, ĐH SPTK TPHCM đã phải nhường sự tỏa sáng cho ĐH Lạc Hồng.
Tuy chưa một lần vô địch Robocon quốc tế, nhưng Lạc Hồng đã mang về cho Việt Nam 2 giải nhì và 1 giải 3 trong 3 năm họ tham dự đấu trường quốc tế. Rõ ràng, sân chơi Robocon đang là sự thống trị của ĐH Lạc Hồng.
Mạnh vì gạo – bạo vì tiền
Khi các trường công nghệ “nhà nước”, điển hình là ĐH Bách khoa sau khi gặt hái được những thành công nhất định của Robocon, đã giảm đầu tư vào sân chơi này, thì những cái tên như ĐH Lạc Hồng, hay năm nay có thêm ĐH Sao Đỏ, ĐH SPKT Hưng Yên và ĐH Duy Tân nổi lên như những trường đầu tư mạnh về Robocon.
Đầu tư nhiều chắc chắn sẽ gặt hái được thành công, nhất là trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Điều này như một chân lý, bởi dù Robocon chỉ là một cuộc thi nhỏ của những robot đơn giản, nhưng những ứng dụng công nghệ hiện đại, những vật liệu tốt và sự đầu tư từ gia công, lắp ráp, xây dựng phần mềm đều tốn nhiều kinh phí, và chỉ có những trường có đủ tiềm lực mới có thể cạnh tranh được.
Còn nhớ những năm đầu của Robocon Việt Nam, khi mà có rất nhiều đội Robocon của một trường đăng ký, đến mức trường còn phải tự mở vòng loại để chọn ra những cá nhân xuất sắc nhất tham dự vòng loại Robocon Việt Nam, rõ ràng thời ấy các trường đầu tư rất mạnh cho Robocon.
ĐH Lạc Hồng đầu tư mạnh cả về số lượng, khi lúc nào cũng có số lượng tối đa các đội tham dự vòng đấu loại, và luôn chiếm con số áp đảo trong 32 đội tham dự vòng chung kết Robocon Việt Nam. Cho dù năm nay BTC đã giới hạn số đội tham dự vòng loại mỗi trường xuống còn 8 đội (so với năm trước tối đa là 15 đội), nhưng ĐH Lạc Hồng vẫn có 6 đại diện tham dự vòng chung kết.
Không những về số lượng, các robot của ĐH Lạc Hồng đều được thiết kế nhẹ, chắc chắn và hoạt động ổn định, hiệu quả nhất. Để có được điều này, chắc hẳn các đội đều phải nỗ lực rất nhiều trong việc lắp ráp, thử nghiệm, sửa chữa, thay thế, và tất nhiên là học hỏi lẫn nhau. Do đó, ĐH Lạc Hồng luôn có một dàn các đội tham dự với chất lượng robot đồng đều và vượt trội hơn so với các trường khác.
Điểm cuối cùng dẫn tới thành công là yếu tố con người. Nhìn các đội mang mã hiệu LH thi đấu, có thể cảm nhận rõ sự tự tin hơn hẳn đối thủ. Tuy Robocon không phải là những trận đấu đối kháng cạnh tranh theo kiểu va chạm trực tiếp, nhưng trước đối thủ là ĐH Lạc Hồng, các trường khác thi đấu có phần run sợ và thiếu đi sự tự tin.
Trong đêm chung kết hôm qua, đối thủ đã phải nhắc nhở các đội khác khi thi đấu với ĐH Lạc Hồng, đó là đừng run sợ, hãy tự tin thi đấu hết khả năng, và cơ hội chiến thắng trước các đội mã LH là hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, với nhiều yếu tố từ tài chính, kỹ thuật tới con người, đã có 3 trong số 4 đội ĐH Lạc Hồng vào bán kết trong đêm chung kết, và 2 đội ĐH Lạc Hồng đại diện cho Việt Nam tham dự Robocon Quốc tế.
Tuy Lạc Hồng vẫn là trường mạnh nhất, nhưng với sự đầu tư đáng kể của những cái tên mới nổi khác, có lẽ Robocon năm sau sẽ quyết liệt hơn.
Việt Nam có vô địch Robocon Quốc tế?
Sự đầu tư mạnh mẽ về nhiều mặt của ĐH Lạc Hồng khiến nhiều người ham mê công nghệ hi vọng, Việt Nam sẽ giành lại ngôi vô địch sau nhiều năm bỏ lỡ. Lần vô địch cuối cùng của Việt Nam trên đấu trường Quốc tế đã là từ năm 2006 với BK-PRO của ĐH Bách khoa TPHCM. Kể từ đó, chúng ta đã nhiều lần hi vọng nhưng chưa một lần đoạt được lại ngôi vương.
Đã 7 năm trôi qua, ĐH Lạc Hồng cũng thống trị Robocon Việt Nam được 4 năm, và đã đủ chín để có thể giành lại ngôi vô địch Robocon Quốc tế, mang lại tự hào cho Việt Nam.
Năm nay Việt Nam là nước chủ nhà Robocon Quốc tế, nước đưa ra đề thi, có tới 2 đội được tham gia so với 1 đội như mọi năm, cơ hội vô địch của Việt Nam lớn hơn bao giờ hết.
Thêm nữa, sự đầu tư chính xác của ĐH Lạc Hồng đã tạo nên những đội Robocon hoạt động gần như hoàn hảo, sẵn sàng giành chiến thắng tuyệt đối ở những giây thứ 40-50.
Tuy vậy, Việt Nam năm 2007 là nước chủ nhà và cũng được đầu tư mạnh mẽ, nhưng cũng chỉ dừng bước ở bán kết, điều này là thách thức không nhỏ với LH-SEE và LH-NVN EAGLE, 2 đại diện Việt Nam tham dự Robocon Quốc tế năm 2013 này.
Sự cổ vũ của đông đảo khán giả nhà sẽ là động lực lớn, nhưng cũng sẽ là sức ép không nhỏ, vì tất cả mọi người đều muốn Việt Nam vô địch, gánh nặng ấy nếu như tâm lý không tốt, các đội Robocon nước chủ nhà sẽ nhanh chóng mất bình tĩnh và tự tin.
Sự đầu tư mạnh mẽ của Robocon Trung Quốc khiến Việt Nam không còn là cái tên mạnh nhất. Kể từ năm 2007, Trung Quốc chỉ 1 lần không vô địch năm 2011 do Thái Lan đăng cai, còn lại họ giành tới 5 chức vô địch. Có lẽ Trung Quốc vẫn là đối thủ mạnh nhất của 2 đại diện Robocon Việt Nam năm nay.
Xem trận chung kết, chứng kiến pha kết thúc hụt của LH-EAGLE, dù đội này hoạt động có phần nhanh nhẹn hơn vài giây so với LH-SEE, chứng tỏ các đội của LH không phải là không bị sức ép tâm lý. Với đề thi năm nay, cho dù nhiều thiết bị công nghệ đo khoảng cách, đo đường thằng được ứng dụng, nhưng nút kết thúc vẫn là do tay con người xử lý, rõ ràng LH-EAGLE và LH-SEE cần vững tâm hơn trong sân chơi lớn hơn.
Trận đấu có 3 phút, nhưng nhiều khả năng các trận đấu trong Robocon Quốc tế với sự tham gia của những đội mạnh nhất sẽ kết thúc dưới 1 phút, thời gian quá ngắn để nếu mắc sai lầm các đội có thể sửa chữa. Vì vậy, chỉ một sai lầm nhỏ cũng khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội giành lại chức vô địch sau nhiều năm. Hi vọng năm nay LH-SEE và LH-NVN EAGLE sẽ làm nên chuyện.