> Bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để móc túi
> Tuyển thủ Vovinam bắt kẻ cắp tại Paris
Trưởng công an xã Chánh An (Mang Thít, Vĩnh Long) Nguyễn Anh Kiệt phấn khởi, trộm chó không còn lộng hành từ khi làm được nhiều cổng rào. Ông Kiệt kể, trước đây, hầu như ngày nào công an xã cũng nhận được tin báo mất trộm chó, có ngày 3-4 vụ.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn ở ấp Mỹ Long nói, một thời gian dài trước đây, trộm chó lộng hành, gia đình ông bị mất nhiều chó, khi phát hiện kẻ trộm cũng không dám đuổi theo. “Có lần, tôi đuổi theo trộm chó bị chúng giương súng nhắm thẳng vào người dọa bắn nếu còn đuổi theo, làm tôi phải rụt lại. Cũng không chỉ có trộm chó mà còn nhiều loại trộm khác nữa hoành hành”, ông Tuấn kể.
Bức xúc trước nạn trộm hoành hành, đầu năm 2012, một số người dân bàn nhau làm cổng rào để rào ấp lại. Cổng rào đặt đầu đường vào ấp hay ở giữa những chiếc cầu; dân ấp thay nhau trực, khi có động thì tri hô và khoá cổng lại để mọi người xông ra tóm bọn trộm. Thấy hiệu quả, lãnh đạo xã Chánh An “nhân rộng mô hình” ra toàn xã, đến nay đã làm được tổng cộng 20 cổng rào. Trưởng công an xã Nguyễn Anh Kiệt cho biết, không chỉ giảm trộm chó mà giảm nhiều loại trộm khác vì trộm ở ngoài không còn dám bén mảng đến xã, còn dân ấp lại đoàn kết với nhau hơn. Lãnh đạo thì phấn khởi vì nhờ hệ thống cổng rào dày đặc nên đã sớm hoàn thành tiêu chí về an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới.
Ở thành phố Cần Thơ cũng đang rộ lên “phong trào rào ấp” để giữ gìn an ninh trật tự và gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Xã Thới Thạnh (Thới Lai, Cần Thơ) có 11 ấp thì 10 ấp đã có cổng rào, dựng trên đường chính vào ấp. Lãnh đạo xã không giấu niềm tự hào nói, từ khi có cổng rào, tình trạng trộm chó, trộm cắp vặt đã giảm, nhiều người dân có giấc ngủ yên lành.
Cổng gồm hai trụ bê tông, bên trên treo bảng tên ấp và các loại bảng giới thiệu những danh hiệu ấp được tặng như “văn hoá, sức khoẻ, an toàn”, kèm bảng giới thiệu “cổng rào an ninh trật tự”. Giữa hai trụ bê tông, hai cánh cổng sắt chắc chắn để đêm hôm khoá trái. Hai rìa bên ngoài trụ bê tông cũng được rào kín để triệt để ngăn chặn kẻ gian qua lại.
“Như hồi xưa rào làng chiến đấu”, một người già ở ấp Thới Bình nhận xét. Ông nói: “Cổng rào ngăn được kẻ gian, nhưng cuộc sống người dân có phần bất tiện. Chở nông sản cồng kềnh không qua lại được, có bà con ở xa đến hay đêm hôm ốm đau, sinh đẻ phải nhờ cậy mở khoá cổng hơi phiền phức. Người dân còn nghèo, chắt bóp tiền làm được các con đường bằng bê tông rộng rãi, nhưng chưa thật thuận tiện thông thương nên thấy có hạn chế phát triển”.