Rèn cán, chỉnh quân, ông Tập Cận Bình mưu tính gì?
> Trung Quốc lần đầu trừng phạt Triều Tiên
> Khó phát hiện gừng Trung Quốc nhiễm thuốc sâu
TPO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã có quyết định yêu cầu các tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp trong quân đội định kỳ phải trở lại làm lính trong thời gian ngắn.
Ông Tập Cận Bình trong chuyến đi thị sát . |
Theo thông tin công bố trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, sĩ quan từ trung tá trở lên, dưới 55 tuổi phải mang theo vật dụng cá nhân, không được ăn uống xa hoa, không nhận quà tặng và phải sinh hoạt, ăn ngủ cùng binh sỹ trong 15 ngày. Lãnh đạo của các trụ sở chỉ huy trung ương và các quân khu thực hiện định kỳ 5 năm một lần trong khi sĩ quan cấp thấp hơn sẽ phải làm như vậy ba đến bốn năm một lần.
Stratfor đánh giá mệnh lệnh này của ông Tập hiển nhiên không phải thay đổi lớn lao gì trong hệ thống quân đội Trung Quốc, song cũng là tín hiệu cho thấy ông Tập muốn giải quyết vấn đề khoảng cách và bất đồng giữa các sỹ quan cao cấp và binh sỹ chiến đấu, cũng như nạn tham nhũng, bè phái và gia đình trị trong lực lượng quân đội – vốn được xem như lực cản tiến trình hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân đội Trung Quốc (PLA).
Ông Tập cũng có thể hướng tới một mục tiêu lớn hơn: Chứng minh khả năng và quyền lực điều hành. Trong thời kỳ lãnh đạo của các ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, có nhiều ý kiến cho rằng PLA thiếu minh bạch và giám sát, từ đó, nảy sinh tình trạng tham nhũng, lợi ích đặc quyền và làm suy giảm tinh thần chiến đấu.
Kể từ khi tiếp nhận cương vị Chủ tịch quân ủy trung ương vào tháng 11-2012, ông Tập đã thực thi một số biện pháp cải tổ nhằm tăng cường kiểm soát của đảng cộng sản Trung Quốc với quân đội. Đáng kể nhất là việc thông qua “10 điều cấm” bao gồm cấm tổ chức sự kiện lễ lạt tốn kém, cấm uống rượu, và thu hồi một số giấy phép quân sự đặc quyền (chẳng hạn vi phạm luật giao thông mà không bị xử lý) của một số tướng lĩnh và quan chức chính phủ.
Căng thẳng quân sự gia tăng với các nước láng giềng (tranh chấp chủ quyền biển đảo với một số nước ASEAN, Nhật Bản; tranh chấp biên giới trên bộ với Ấn Độ) và mất trị an nội địa (người Ngô Duy Nhĩ vùng Tân Cương, Tây Tạng), nguy cơ cuộc chiến bán đảo Triều Tiên tạo bối cảnh thuận lợi cho việc thực thi các chính sách tăng cường kỷ luật quân đội của ông Tập. Mặt khác, dù có nền tảng ủng hộ và quan hệ tốt với giới lãnh đạo quân sự, ông Tập cũng không dễ dàng gì thuyết phục các tướng lĩnh từ bỏ đặc quyền.
Nếu thành công chỉnh quân này không chỉ giúp ông Tập nâng cao uy tín mà có thể còn trở thành động lực thúc đẩy quá trình dịch chuyển mô hình tăng trưởng kinh tế – đang được xem là phụ thuộc rất nhiều vào thực quyền điều hành và quyết tâm chính trị của thế hệ lãnh đạo mới.
DHVP