Rau sạch tìm khách hàng

Hà Nội mở rộng các kênh phân phối rau sạch tới người tiêu dùng Ảnh: M.H
Hà Nội mở rộng các kênh phân phối rau sạch tới người tiêu dùng Ảnh: M.H
TP - Rau sạch Hà Nội đang tìm đường trở lại với người tiêu dùng qua nhiều kênh: sàn giao dịch, cửa hàng, siêu thị mini, tổ dân phố “chuyên rau an toàn”, và internet.

> Rau “bẩn”, sẽ kỷ luật cán bộ
> Bán rau sạch đến tận sân khu tập thể
> Giới nhà giàu ‘thâm canh’ trên biệt thự

Đa dạng kênh bán rau

Theo ông Nguyễn Hồng Anh- Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hà Nội, thành phố đang đẩy mạnh đa dạng kênh phân phối rau sạch và rau an toàn nhằm tiếp cận gần hơn người tiêu dùng.

Ngoài việc mở rộng sàn giao dịch, cửa hàng, siêu thị mini, sẽ thành lập từng nhóm khách hàng tiêu thụ rau an toàn tại các tổ dân phố, cụm dân cư, chung cư cao tầng.

Dự kiến, mỗi điểm phân phối rau an toàn phục vụ khoảng 50 hộ dân. Địa điểm tiếp nhận rau an toàn được đặt cố định, có gắn biển hiệu, bảng giá.

Mỗi tuần sẽ đưa rau từ 2 – 4 lần theo đơn đặt hàng của từng điểm. Việc này được cho là sẽ làm giảm nguy cơ trà trộn rau “bẩn” vào rau sạch, gây mất uy tín của cơ sở sản xuất và mất niềm tin của người dân.

Diện tích sản xuất rau an toàn được cấp chứng nhận tới năm 2012 khoảng gần 4.000ha, phân bố ở 93 xã trọng điểm rau. Chi cục đã hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật của từng xã này về bảo vệ thực vật, khuyến nông.

Từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đều được khép kín và được giám sát chặt chẽ. Chi cục cũng cấp giấy chứng nhận sơ chế rau an toàn cho 27 cơ sở tiêu thụ, bước đầu mở mạng lưới tiêu thụ rau toàn ra 80 cửa hàng, siêu thị.

Ưu tiên cho doanh nghiệp rau sạch

Cách đây vài năm, hàng loạt doanh nghiệp đầu tư trồng rau an toàn, sau đó đồng loạt đóng cửa vì chi phí nhiều mà lợi nhuận không cao.

Gần như không có doanh nghiệp mới tham gia lĩnh vực trồng rau an toàn trong thời gian qua. Toàn thành phố có 15 cơ sở tư nhân sản xuất rau an toàn, ra đời đã nhiều năm nay, nhưng làm ăn hiệu quả chỉ có 5.

Với các doanh nghiệp sống sót, để sinh lợi trước khi được hỗ trợ từ thành phố là cả một công cuộc tự xoay xở và tìm cách tự liên kết với nhau. Anh Ngô Như Quân, chủ website cung cấp thực phẩm sạch http://www.nongsanngon.com.vn cho biết, để sản xuất được loại rau sạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ, công ty phải thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế PGS.

Vùng trồng rau là vùng đất sạch, không ô nhiễm. Trong suốt một năm, đất này được cải tạo chỉ chuyên trồng đậu tương để làm sạch hoàn toàn đất, sau đó mới đem trồng rau.

Khu vực này được rào kín bằng cỏ voi để che bụi. Phân bón là phân hữu cơ ủ trong 3 tháng để loại bỏ giun sán. Để tiết kiệm chi phí, anh Quân không phân phối rau qua trung gian, không mở cửa hàng mà chỉ bán qua mạng.

Một hướng đi khác khá khôn ngoan của cơ sở này là thay vì yêu cầu khách hàng đặt mua số lượng lớn (từ 5-10kg trở lên) mới giao hàng tận nhà như một số nhà cung cấp rau sạch khác.

Nông Sản Ngon có những túi rau chỉ từ 500gr (tương đương 1-2 mớ rau thông thường ngoài chợ) tiện dụng cho người mua. Chính vì thế giá rau của cơ sở anh mềm hơn và bán rất chạy.

Rau hữu cơ không có hóa chất, trồng theo lối quảng canh nên việc tăng sản lượng phụ thuộc hoàn toàn vào mở rộng diện tích đất. Việc này đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên kết thay vì tự phát triển đơn lẻ.

Trong năm 2013, anh Quân cho biết có kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp rau hữu cơ khác như Tâm Đạt, Tràng An… và liên kết với bà con nông dân có ruộng bỏ hoang hoặc đất ruộng manh mún để thu về một mối, mở rộng diện tích trồng rau lên gấp 4 lần.

Theo ông Nguyễn Hồng Anh, các doanh nghiệp tham gia trồng rau an toàn sẽ làm phong phú hơn thị trường rau sạch tới người tiêu dùng.

Tới đây, ông Hồng Anh cho biết sẽ đề xuất thành phố có chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp ở các khâu như quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, v.v…

Hiện tổng diện tích sản xuất rau an toàn ở Hà Nội đạt 29.000 ha/năm. Sản lượng rau ước đạt 570.000 tấn/năm, có khả năng đáp ứng khoảng 60% nhu cầu người dân thành phố.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG