Mỗi chậu được thương lái thu mua tận vườn có giá từ 70.000 đến 250.000 đồng, tùy thuộc vào kiểu dáng và kích cỡ của mỗi chậu. Ông Tài cho biết, doanh thu và lợi nhuận từ việc đưa rau củ vào chậu kiểng bán Tết cao hơn nhiều so với trồng các loại hoa khác, ước tính sau khi trừ chi phí có thể lãi hơn 70%. Củ cải đỏ vào chậu có chu vi khoảng 50cm, giá bán 100.000 đồng một chậu thích hợp để chưng trên bàn làm việc và tiếp khách vào dịp tết.
Cũng khá đắt hàng như củ cải đỏ, cà chua bi được khách đặt mua từ rất sớm. "Toàn bộ 1.500 chậu cà chua bi Đà Lạt được thương lái thu mua với giá 70.000 đồng. Điểm đặc biệt của chậu kiểng cà chua là cao chưa đến 25 cm nhưng trái xum xuê 3 màu", ông Tài nói.
Với ý nghĩa mang lại no đủ, bầu hồ lô cũng là sản phẩm được khách đặt mua nhiều. Mỗi cây có khoảng 4-5 trái, giá dao động khoảng 200.000 đồng một chậu.
Là loại cây năm đầu tiên vào chậu kiểng Tết, đậu bắp đỏ tượng trưng cho sự may mắn, thắng lợi nên cũng rất hút khách.
Giống cà tím khổng lồ cũng là sản phẩm độc đáo năm nay. Giống của chúng được nhập từ nước ngoài, trồng và chăm sóc từ cuối tháng 8 âm lịch để kịp bán Tết. Ông Tài chia sẻ, đây là giống đặc biệt to đến nửa kg và có thể ăn được sau khi chưng Tết nên giá bán cũng cao hơn những loại rau củ khác, khoảng 170.000 đồng một chậu có 2 đến 3 quả.
Khá phổ biến, loại ớt kiểng này đã được ông Tài trồng và bán quanh năm. Tuy nhiên, dịp Tết năm nay ông áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt nên cây sai trái. Đây là lần đầu tiên ông Tài trồng thử nghiệm rau củ trong chậu kiểng, vì mặt hàng độc đáo nên được rất nhiều thương lái ở TP HCM và các tỉnh miền Tây ưa chuộng. Tuy nhiên, chưa có kinh nghiệm trồng rau củ nên năm nay vườn của ông Tài cũng phải bỏ không ít chậu kém chất lượng vì sâu ăn lá, củ móp méo…