'Rao' nửa tỷ đồng một suất vào làm tại ngân hàng
Trên các diễn đàn online hiện nay không thiếu những lời rao chạy việc vào ngân hàng với chi phí môi giới lên tới hơn 500 triệu đồng.
Mẩu tin quảng cáo được đăng trên một trang rao vặt. Ảnh chụp màn hình. |
Chủ một topic trên diễn đàn tự giới thiệu chỉ cần 2 tháng để có thể xin việc vào Ngân hàng Nông nghiệp, Vietinbank, Xăng dầu, Hàng hải… Theo chị này, hiện nếu xin vào ngân hàng khối nhà nước thì chi phí không dưới 400 triệu đồng. Một số vị trí có thể “thu hồi vốn nhanh” như chuyên viên tín dụng, kế toán, kiểm toán… thì giá không dưới 500 triệu đồng. Các vị trí dù không thuộc diện “thu hồi vốn nhanh” nhưng là “hàng hiếm”, ít tuyển dụng như chuyên viên truyền thông, pháp chế… thì giá cũng xấp xỉ 500 triệu đồng.
Trên diễn đàn khác, người có nick yahoo nguyenthanh... rao đang có sẵn vị trí giao dịch viên một nhà băng nhỏ có trụ sở chính tại quận 11, TP HCM. Chi phí để có công việc này là 50 triệu đồng, người xin việc phải đặt cọc trước 50% khi gửi hồ sơ.
“Ai có nhu cầu tới nhà mình giao dịch, có viết giấy bảo đảm. Mình sẽ đưa hộ khẩu, chứng minh nhân dân photo có công chứng để bạn đối chiếu”, anh này nói. Theo anh, một số nhà băng khác anh cũng xin được nhưng phải có đợt tuyển dụng. Search địa chỉ email trên thì thấy anh này là chủ nhân của cả những mẩu tin rao bán điện thoại cũ và bằng lái B2...
Chủ nhân một mẩu tin được đăng đầu tháng 10 trên một diễn đàn cũng quảng cáo có suất xin vào ngành ngân hàng nhờ có người quen trực tiếp, không bắc qua nhiều cầu nên chi phí hợp lý. Lần đầu tiên liên hệ với số điện thoại này thì được “cò” báo giá 300 triệu đồng để xin vào một ngân hàng thuộc khối nhà nước, vị trí nhân viên tín dụng. Tuy nhiên, sau đó ít ngày, liên hệ lại với người này nhiều lần qua điện thoại nhưng đều không được.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Bích Huyền - Giám đốc Khối quản trị nguồn nhân lực Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, việc tuyển dụng của các nhà băng thường được tổ chức chặt chẽ, không phải một cá nhân nào có quyền quyết định hoàn toàn.
Đại diện các nhà băng cho biết, quá trình tuyển dụng được tổ chức khá chặt chẽ và công khai. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Riêng với VPBank, nếu ứng viên nào biết có tình trạng tiêu cực trong quá trình tổ chức tuyển dụng có thể báo lại với lãnh đạo ngân hàng. Chúng tôi sẵn sàng trả lời, giải đáp cho người ứng tuyển mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề tuyển dụng trong nhà băng. Tất cả các nội dung đó đều được công khai, minh bạch”, bà Huyền khẳng định.
Theo bà Huyền ngành ngân hàng ở Việt Nam đang tiến tới những chuẩn mực quốc tế, do đó, thách thức với người làm ngành này không hề nhỏ. “Là một người đi xin việc, các sinh viên nên nghĩ rằng để có một vị trí trong nhà băng và ngày một phát triển được công việc của mình mới là điều khó khăn, chứ không chỉ là chuyện bỏ một khoản tiền ra để vào ngồi ở đó. Bởi vì nếu không làm việc chắc chắn sẽ sớm bị loại khỏi cuộc chơi. Là một ngành hấp dẫn nhưng nghề ngân hàng cũng rất nghiệt ngã”, bà Huyền chia sẻ.
Anh Việt Hưng, admin của diễn đàn Cộng đồng ngân hàng và nguồn nhân lực (UBGroup) cho rằng việc giao một khoản tiền lớn cho ‘cò’ là một việc làm quá mạo hiểm, có khi "tiền mất tật mang". Tuy nhiên vì quá mong muốn có được một công việc trong ngân hàng nên nhiều người quên mất mối đe dọa đó.
Cùng quan điển với bà Huyền, anh Hưng cho rằng ngân hàng là một ngành có sự biến động nhân sự rất cao, từ nhân viên đến lãnh đạo. "Giả sử một sinh viên được vào một vị trí đang được cho là 'ngon nhất' đối với sinh viên mới ra trường nhưng nếu không có năng lực thật sự thì chỉ cần qua vài ba kỳ giao chỉ tiêu mà không đạt thì chắc chắn, nếu không bị loại khỏi cuộc chơi thì cũng sẽ bị đá qua chỗ này chỗ khác", anh Hưng chia sẻ.
Chị Đỗ Thu Hường, giám đốc một khối nghiệp vụ trong nhà băng cổ phần cho biết, cũng giống như một doanh nghiệp tư nhân, nếu nhân viên không làm được việc, ngân hàng sẽ cho nghỉ việc. "Trong bối cảnh hiện tại, nhiều nhà băng đang lên chiến dịch cắt giảm tối đa nhân sự. Vì thế, chuyện tuyển dụng càng trở nên gắt gao hơn chứ không dễ dàng như trước", chị Hường nói.
Theo VnExpress