Đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021:

'Rái cá' sông Gianh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ cậu bé làng chài, Nguyễn Huy Hoàng (22 tuổi) đã giành huy chương vàng tại nhiều giải bơi lội quốc tế, mang vinh quang về cho đất nước. Được mệnh danh là “rái cá” sông Gianh, Hoàng là một trong những vận động viên (VĐV) xuất sắc nhất hiện nay của thể thao Việt Nam.
'Rái cá' sông Gianh ảnh 1

Bố mẹ luôn sát cánh bên Nguyễn Huy Hoàng sau những thành tích đạt được

Mỗi ngày luyện bơi 20km

Nguyễn Huy Hoàng sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo bên bờ sông Gianh, thuộc thôn Thanh Tiến, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Cha mẹ làm nghề chài lưới, Hoàng là con út trong gia đình có 6 anh em.

Ông Lê Phú Sơn, Phó giám đốc Sở VH và TT Quảng Bình cho biết: Hoàng là người nặng tình, nặng nghĩa với quê hương. Sau khi đạt nhiều thành tích xuất sắc, nhiều trung tâm thể dục thể thao lớn trong nước mời gọi về đầu quân, nhưng Hoàng vẫn ở lại với Quảng Bình, để mỗi tháng chỉ nhận được 5 triệu đồng theo chế độ đãi ngộ tài năng của tỉnh.

“Tui cũng không biết con nó biết bơi từ lúc nào. Ở vùng đất sông nước này, bất kỳ đứa trẻ nào cũng biết bơi như là một kỹ năng sống vậy. Nhưng bơi lội đối với Hoàng như được trời phú, nó vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa, nên người làng vẫn thường gọi nó là “rái cá” sông Gianh” - bà Nguyễn Thị Học, mẹ của Hoàng chia sẻ.

Sự nghiệp bơi lội của Hoàng bắt đầu từ năm 2011, khi cậu đang học lớp 5. Hoàng tham gia Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Bình, xuất sắc giành giải Nhất bơi lội ở bậc tiểu học và được chọn vào đội tuyển năng khiếu của tỉnh. Sau hai năm huấn luyện ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (HL-TĐ TDTT) Quảng Bình, Hoàng được rút vào Trung tâm HL-TĐ TDTT Quốc gia TPHCM, sau đó chuyển đến Trung tâm HL-TĐ TDTT Quốc gia ở Cần Thơ để tiếp tục đào tạo.

'Rái cá' sông Gianh ảnh 2

Huy Hoàng khổ luyện mỗi ngày để vượt qua những giới hạn bản thân

Nhưng bơi tự do dưới sông, hồ khác nhiều với kỹ năng bơi của một VĐV chuyên nghiệp. Để thực sự trở thành một ngôi sao trên đường đua xanh, Nguyễn Huy Hoàng bắt đầu chuỗi ngày khổ luyện. “Tập luyện rất gian nan. Ngày nào cũng vậy em tập sáng 4 tiếng, chiều 4 tiếng, kiệt sức nhưng vẫn có bài tập cường độ cao. Có khoảng thời gian tập luyện em đã khóc, khóc rất nhiều, vì quá mệt, thậm chí là kiệt sức” - Hoàng tâm sự.

Không vinh quang nào dễ dàng, không chiến thắng nào không đồ mồ hôi. Với Hoàng là cả nước mắt và những lần phải nhập viện vì chấn thương, kiệt sức. Vốn thể hình thấp bé, sải tay hạn chế, để khắc phục yếu điểm này, Hoàng phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác. Bỏ lại phía sau những cuộc vui, những trò chơi của bạn bè cùng lứa, Hoàng lao mình vào dòng nước, và hạnh phúc khi mỗi ngày lại vượt qua được giới hạn của mình từng chút một.

Đổi lại, sự khổ luyện đó cho Hoàng ý chí, tâm thế tự tin chiến thắng mỗi khi bước vào những giải đấu quan trọng. Để liệt kê đủ thành tích của chàng trai Quảng Bình sinh năm 2000 này thật khó. Hoàng nổi lên từ giải Vô địch Quốc gia 2016, giành HCV ở nội dung 1.500m bơi tự do, phá vỡ thế thống trị của của đàn anh Lâm Quang Nhật. Tiếp theo là những thành tích xuất sắc tại các giải đấu khu vực và châu lục, giành tấm vé tham dự Olympic Tokyo…

“Ở thế vận hội Mùa hè diễn ra vào tháng 7 năm 2021 tại Tokyo, em thi đấu hai nội dung 800m và 1.500m bơi tự do nam, lần lượt đứng thứ 20/34 và 12/29 VĐV tham gia. Để chuẩn bị cho giải đấu này em đã tăng khối lượng tập luyện lên 20km mỗi ngày. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19, không được cọ xát ở những giải đấu lớn, nên khi đến Tokyo em đã không vượt qua được thành tích của chính mình” - Hoàng chia sẻ.

Một lòng với quê nghèo

Mặc dù thường xuyên được vinh danh ở những giải đấu quốc tế, nhưng Nguyễn Huy Hoàng luôn là một người rất khiêm tốn và nặng lòng với quê hương. Nhiều lần đứng trên bục cao vinh quang, khi chia sẻ với các phóng viên, Hoàng vẫn luôn nhắc về quê hương Quảng Bình, về những người thầy đầu tiên đã dìu dắt mình đến với sự nghiệp VĐV.

“Để có được thành tích như hôm nay, em không bao giờ quên những bài học đầu tiên của thầy Hoàng Công Minh ở Trung tâm HL-TĐ TDTT tỉnh. Không chỉ dạy kỹ thuật bơi lội, thầy Minh còn dạy em tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc, lòng kiên trì nhẫn nại và niềm đam mê thể thao để em không ngừng cố gắng vươn lên…” - Hoàng tâm sự.

Sau những chuỗi ngày tranh tài ở các đấu trường quốc tế, Hoàng đều sắp xếp để trở về thi đấu cho tỉnh nhà. Gần đây nhất Hoàng góp công cùng Đoàn thể thao Quảng Bình giành nhiều thắng lợi tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 8 năm 2018. Tại kỳ Đại hội này, Đoàn thể thao Quảng Bình xếp thứ 15/65 đoàn tham gia, tăng 5 bậc so với thành tích ở kỳ đại hội trước. Riêng Nguyễn Huy Hoàng đạt 4 HCV, 2 HCB, phá 1 kỷ lục quốc gia và 1 kỷ lục đại hội.

Nhớ về thời gian khó, Hoàng vẫn luôn trích một phần tiền thưởng của mình san sẻ cho những hoàn cảnh khó khăn ở quê nhà. Hoàng dành sự quan tâm đặc biệt cho Mái ấm Hướng Phương, nơi các sơ đang nuôi dưỡng 115 bé (hầu hết bị khuyết tật, bại não, khiếm thị, khiếm thính và mồ côi).

“Số tiền của em tuy không nhiều, nhưng hi vọng có thể giúp đỡ phần nào, đồng thời giúp mọi người biết thêm về hoàn cảnh khốn khó của các bé khuyết tật ở đây. Mục đích giúp đỡ các em cũng luôn khiến em có thêm động lực khi thi đấu” - Hoàng chia sẻ.

Tại SEA Games 29 năm 2017, Hoàng giành HCV cự ly bơi 1.500m tự do. Một năm sau đó, tại ASIAD 18 năm 2018, Hoàng giành HCB nội dung 1.500m tự do. Cùng năm đó, khi tham dự Olympic trẻ tại Argentina, Hoàng giành HCV đầy thuyết phục. Đặc biệt, tại đấu trường SEA Games 30 năm 2019, Hoàng đã giành cú đúp HCV ở cự ly 400m tự do và 1.500m tự do. Thành tích này giúp Hoàng giành tấm vé tham dự Olympic Tokyo.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.