Theo quy định, hành lang đê là khu vực cần được bảo vệ nghiêm ngặt, các hoạt động san lấp, xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ buộc phải có sự chấp thuận của Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng.
Theo phản ánh của người dân xã Phụng Công, từ đầu năm 2017, vào buổi tối có hàng chục lượt ôtô trọng tải lớn chở đất, phế thải xây dựng từ nhiều nơi về tập kết ngoài đê, sau đó được san ủi lấp đầm, ao, hồ làm mặt bằng phục vụ dự án đất dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi trong vùng dự án KĐT Văn Giang, do UBND xã làm chủ đầu tư. Không chỉ tập kết ở hành lang thoát lũ, rác thải xây dựng còn được tập kết dọc chân đê, nằm trên đường lên xuống, đe dọa an toàn của đê sông Hồng đoạn đi qua huyện Văn Giang.
Để làm rõ sự việc trên, ngày 27/7, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Văn Giang và các cơ quan chức năng. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đại Thắng, Phó Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Văn Giang cho biết, trên địa bàn xã Phụng Công đang có hoạt động san lấp hồ, ao chuẩn bị cho việc triển khai dự án đất dịch vụ ngoài đê. Theo quy định, từ chân đê trở ra 25m nằm trong hành lang bảo vệ đê nên phải bảo vệ tuyệt đối, không được tập kết rác, vật liệu xây dựng. Tất cả các công trình xây dựng đều phải thoả thuận với Bộ NN&PTNT và được UBND tỉnh phê duyệt. Theo ông Thắng, việc tập kết rác thải xây dựng ở hành lang bảo vệ đê là sai quy định.
Tiếp nhận thông tin, ông Chu Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết, huyện sẽ yêu cầu Hạt Quản lý đê điều, UBND xã Phụng Công và các đơn vị chuyên môn tiến hành rà soát, có biện pháp ngăn chặn hành vi tập kết rác thải xây dựng trong hành lang bảo vệ đê.
San lấp mặt bằng khi chưa đủ hồ sơ
Theo những thông tin PV thu thập được trong buổi làm việc với UBND xã Phụng Công, dự án đang triển khai san lấp mặt bằng có tên là “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ liền kề xã Phụng Công”, nhằm hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi cho dự án KĐT Văn Giang, do UBND xã làm chủ đầu tư, dự án được một công ty hỗ trợ kinh phí san lấp và các thủ tục pháp lý.
Ông Nguyễn Phùng Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Công cho biết, do nhu cầu nhận đất dịch vụ cấp bách của người dân, từ đầu năm 2017, UBND xã đồng ý cho công ty kể trên tiến hành san lấp mặt bằng, hồ, đầm ngoài đê phục vụ hạng mục làm đường chân đê và diện tích đất dịch vụ. Việc hoàn thiện hồ sơ sẽ được tiến hành song song với quá trình san lấp, UBND tỉnh và doanh nghiệp cam kết hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý.
Tuy nhiên, đại diện UBND xã Phụng Công xác nhận, việc san lấp đang triển khai chưa đủ hồ sơ pháp lý theo quy định. Cụ thể, chủ đầu tư chưa lập hồ sơ báo cáo UBND tỉnh Hưng Yên để trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt dự án. Do chưa đủ hồ sơ pháp lý nên tháng 7/2017, Hạt Quản lý đê huyện Văn Giang đã gửi văn bản đề nghị UBND xã lập hồ sơ báo cáo UBND tỉnh Hưng Yên để tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt, chủ đầu tư chỉ được triển khai xây dựng công trình khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Khi được hỏi về hợp đồng ký kết việc san lấp mặt bằng với công ty kể trên, ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phụng Công cho biết, hợp đồng san lấp chủ yếu được thoả thuận miệng. Cho đến nay, xã vẫn đang phối hợp với doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Theo ông Dũng, phía doanh nghiệp cam kết dùng đất và cát làm vật liệu san lấp mặt bằng dự án. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, vật liệu dùng san lấp đều không đạt chuẩn như cam kết, có rất nhiều gạch, đá, phế thải xây dựng đã và đang được sử dụng để san lấp mặt bằng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều thuộc Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc đổ đất thải, phế thải ở chân đê, bãi sông, trong hành lang thoát lũ là vi phạm nghiêm trọng Khoản 7, Khoản 10, Điều 7 Luật Đê điều; Khoản 4, Điều 12 Luật Phòng, chống thiên tai, gây cản trở dòng chảy và thoát lũ, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ sông. “Luật đã có quy định rất rõ về việc này”, ông Thành khẳng định.
Trần Hoàng