Rắc rối như bóng thi đấu ở V-League 2016

Trái bóng Động Lực sẽ bị “hất cẳng” ra khỏi sân chơi nội từ năm 2016?.
Trái bóng Động Lực sẽ bị “hất cẳng” ra khỏi sân chơi nội từ năm 2016?.
TP - Hơn một tuần vừa qua, câu chuyện tranh cãi xung quanh trái bóng thi đấu của V-League 2016 thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Từ khi bóng đá Việt Nam được chuyên nghiệp hóa vào năm 2000, Động Lực luôn là nhà cung cấp bóng thi đấu chính thức của V-League.

Trong 15 năm qua, V-League đã hợp tác và chia tay với rất nhiều nhà tài trợ, nhưng chỉ có Động Lực là nhà tài trợ duy nhất gắn bó với V-League suốt từ năm 2000 đến năm 2015. Tưởng như sẽ không có sự thay đổi nào trong quá trình hợp tác này, bởi đến trước Tết Nguyên đán Bính Thân, VPF, đơn vị quản lý và tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, và Động Lực vẫn thương thảo với nhau về vấn đề gia hạn hợp đồng.

Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra, khi ngay sau Tết Nguyên đán, VPF thông báo sẽ sử dụng bóng thi đấu mới của Grand Sport, hãng sản xuất trang thiết bị thể thao từ Thái Lan. Theo lý giải của VPF, việc họ phải cắt hợp đồng với Động Lực là điều cực chẳng đã, bởi Động Lực đã nợ bóng, nợ tiền của VPF suốt từ mùa giải 2014 cho tới mùa giải 2015.

Theo hợp đồng đã ký, trong năm 2015 Động Lực phải chuyển cho VPF 3.500 trái bóng nhưng rút cục Động Lực không chuyển trái nào, buộc VPF phải lấy bóng cũ từ mùa bóng 2014 để cho các đội bóng sử dụng.

Về phía mình, Động Lực không giải thích hay xác nhận về chuyện nợ tiền, nợ bóng VPF mà chỉ nói rằng nguyên nhân khiến cuộc thương thảo hợp đồng giữa 2 bên bị đổ vỡ là vì Động Lực muốn ký hợp đồng 3 năm, còn VPF chỉ muốn ký 2 năm. Động Lực cũng khẳng định sẵn sàng xuất bóng cho VPF mà chưa đòi hỏi phải ký hợp đồng nhưng VPF không chấp nhận và quay sang hợp tác với Grand Sport.

Không rõ nguyên nhân thực sự đằng sau vụ việc này là như thế nào, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, Động Lực không chỉ nợ tiền VPF mà họ còn nợ cả tiền tài trợ của VFF. Một lãnh đạo cao cấp của VFF cho biết chính vì tình trạng nợ tiền nợ bóng của Động Lực mà mấy năm vừa rồi VFF đã gặp không ít khó khăn khi tổ chức các giải bóng đá trẻ quốc gia.

Trong luồng sự kiện liên quan tới Động Lực và VPF, còn có thông tin cho rằng sở dĩ VPF chọn Grand Sport là bởi nhà tài trợ này đã dành chế độ hoa hồng rất hậu hĩnh cho VPF. Tuy nhiên, vị lãnh đạo nói trên của VFF đã bác bỏ thông tin này và giải thích rằng chuyện nhận hoa hồng nhờ ký hợp đồng tài trợ bóng thi đấu là điều không thể xảy ra, vì việc ký kết hợp đồng là ý chí của cả tập thể, được bàn luận công khai, rõ ràng nên nếu chỉ nhờ vào vai trò cá nhân thì không thể làm được.

Khi còn hợp tác với VPF, Động Lực chuyển cho VPF mỗi năm 3.500 quả bóng và 700 triệu đồng, tương đương hơn 4 tỷ đồng một năm. Số tiền mà VPF phải trả cho Grand Sport không được tiết lộ, nhưng đại diện VPF cho biết Grand Sport chỉ lấy một khoản tiền tượng trưng, còn chủ yếu tài trợ miễn phí bóng thi đấu cho V-League 2016.

Mới đây nhất lại xuất hiện thông tin bóng thi đấu của Động Lực không nằm trong danh sách các trái bóng đạt chuẩn thi đấu FIFA như thông báo bấy lâu nay của Động Lực. Trên website FIFA có công bố danh sách các trái bóng đạt chuẩn thi đấu của FIFA, và điều đáng ngạc nhiên là không có bất cứ sản phẩm nào của Động Lực, trong khi Grand Sport lại có 2 sản phẩm được FIFA cấp chứng nhận “FIFA Quality Pro”, trong đó có trái bóng mà VPF đã mua để sử dụng ở V-League 2016.

Ngay sau khi thông tin này xuất hiện, chúng tôi đã liên lạc với đại diện Động Lực để tìm hiểu thực hư của sự việc này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Trong khi đó, VPF từ chối bình luận vì họ chưa sử dụng bóng của Động Lực ở mùa bóng 2016, và không ai trả lời được câu hỏi vậy trái bóng Động Lực ở những mùa giải trước đây có đạt tiêu chuẩn FIFA hay đơn giản chỉ là bóng dán tem FIFA.

MỚI - NÓNG