Ra thông tư, văn bản sai, bồi thường thế nào?

Ra thông tư, văn bản sai, bồi thường thế nào?
TP - Ngày 9/1, trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng: Hiến pháp và nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đều khẳng định, mọi hoạt động của nhà nước nếu gây ra thiệt hại cho người dân, cho tổ chức, doanh nghiệp thì phải bồi thường, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Đây là thực hiện trách nhiệm của nhà nước đối với người dân. Không thể chỉ có tố tụng hình sự hay thi hành án, mà trong quản lý hành chính, trong đó có vấn đề các văn bản, thông tư cũng phải xem xét. Tất cả những vấn đề đó đều phải được đưa vào diện phải bồi thường như nhau. Vấn đề quan trọng là phải rà soát để đảm bảo tính khoa học, hợp lý và thích đáng. Phải phân biệt rất rõ ba hình thức: Quy phạm bắt buộc, quy phạm hướng dẫn và quy phạm tùy nghi. Theo ông Nhưỡng, có những văn bản hướng dẫn không trong diện bồi thường, nhưng quy phạm bắt buộc, nghĩa là bắt người ta phải làm thế này, không được làm cái kia, dẫn đến thiệt hại thì phải bồi thường.

Đề cập đến Thông tư 16 của Bộ Xây dựng trước kia, ông Nhưỡng cho biết, vấn đề này liên quan nhiều đến tranh chấp, cách tính diện tích căn hộ theo tim tường hay mép tường. Bộ Tư pháp cùng Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng phải ngồi lại với nhau để xem xét cho thấu đáo. Bởi thời gian thông tư diễn ra rất ngắn, mặt khác dù có thắc mắc nhiều, nhưng đến giờ lại chưa ai yêu cầu đưa ra tòa. Bây giờ đưa ra quy định phải bồi thường hay không, có thể dẫn tới trào lưu, sau đó phải sửa sai thì hết sức nguy hiểm. Nếu đã ra quyết định sau này không được phép hồi tố.

“Chúng ta một mặt đảm bảo quyền công dân, nhưng vẫn phải đảm bảo sự ổn định của nhà nước. Trong quản lý nhà nước đều có những rủi ro, hoạt động của dân, hay bất cứ nghề nghiệp nào cũng có những rủi ro. Cái nào có thể châm chước được, cái nào không thì cũng phải xem xét để đảm bảo tính hài hòa của một xã hội”, ông Nhưỡng cho hay.

MỚI - NÓNG