Chúc mừng anh và “6 bước tự xuất bản một cuốn sách”. Nhìn vào kế hoạch, lịch trình anh vạch ra chỉ hai tuần xong nội dung cuốn sách, e rằng nhiều người nghĩ làm sách dễ dàng quá?
Đúng là có sáu bước chính, thực tế có thể nhiều hoặc ít hơn, nhưng chừng đó đủ để xuất bản một cuốn sách. Có những bước rất dễ dàng, nhưng trong đó phần chuẩn bị nội dung-khâu đầu tiên-lại chính là khâu khó nhất. Từ người bình thường tới người viết chuyên nghiệp đều phải đầu tư lớn nhất cho nội dung bản thảo. Đây cũng là yếu tố quyết định để cho ra đời một cuốn sách.
Anh tư vấn cho nhiều người nổi tiếng, chấp bút cho nhiều đầu sách nhưng sách cá nhân đứng tên riêng lại chưa nhiều. Vì anh không quá sốt sắng thực hiện bước “đỉnh cao để xây dựng thương hiệu cá nhân” chăng?
Trong quá trình tư vấn xuất bản, tôi luôn hỏi khách hàng về mục tiêu xuất bản và đưa ra lời khuyên chỉ xuất bản sách khi đạt tối thiểu ba mục tiêu: Mục tiêu quan trọng nhất đem lại giá trị “giải quyết nỗi đau của khách hàng” bởi nếu không làm được thì khó được đón nhận. Hai mục tiêu còn lại chính là nâng tầm thương hiệu cho tác giả và mang lại lợi ích kinh tế. Chính vì lẽ đó, dù tư vấn cho mấy chục cuốn sách nhưng “6 bước tự xuất bản một cuốn sách” mới là cuốn thứ ba tôi viết riêng.
“6 bước tự xuất bản một cuốn sách” của tác giả Nguyễn Tuấn Anh đã được lên kế hoạch tái bản sau một tuần ra mắt |
Việc xuất bản cuốn sách cũng là cái duyên. Trong suốt các đợt giãn cách xã hội, tỷ lệ đọc sách nhiều hơn, nhu cầu tự xuất bản ngày càng lớn, tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi của bạn bè về quy trình xuất bản một cuốn sách. Điều đó thôi thúc tôi trở về mục tiêu đầu tiên-giải quyết được “nỗi đau” của người đọc. Với tôi đây là mục tiêu quan trọng nhất.
Anh dẫn lời nhà văn Nobel Toni Morrison “Nếu có một cuốn sách mà bạn muốn đọc nhưng nó chưa được viết, hãy viết nó”. Nói như vậy anh chưa từng thấy có cuốn sách nào hướng dẫn người ta tự xuất bản?
Tôi được mời viết sách cho một chuyên gia marketing nổi tiếng TS Alok Bharadwaj (tác giả hai cuốn sách Xây dựng hệ thống marketing và bán hàng hiệu quả; Xây dựng và vận hành hệ thống quản trị nhân sự hiện đại). Tôi buộc phải theo học các khóa học của ông ở Việt Nam trong vòng hai năm, sau đó là quá trình tiếp tục học hỏi khi viết sách, tôi ngấm được triết lí marketing hiện đại: Viết một cuốn sách người đọc có nhu cầu, mang lại giá trị cho cộng đồng và đạt được nguyên tắc định vị-nếu là người đầu tiên viết về vấn đề đó thì dễ thành công. Tôi nghĩ chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam hướng dẫn người ta xuất bản một cuốn sách theo kiểu thực chiến như thế này.
Cuốn sách của anh thôi thúc người ta ra sách nhiều hơn, nhưng anh có lo ngại ra sách dễ dàng quá có nguy cơ dễ dãi về chất lượng?
Tôi cho rằng không ai có thể giỏi tất cả mọi thứ. Nhưng mỗi người đều có thể giỏi nhất một việc nào đó. Ta hoàn toàn có thể viết về cái mình giỏi nhất. Marketing có triết lí “Unique Selling Point - Lợi điểm bán hàng độc nhất”, vì thế viết về những cái mình mạnh nhất, đem lại giá trị nhất sẽ tạo nên điểm khác biệt. Để viết được cuốn sách đó ta lại phải trở lại mục tiêu đầu tiên-viết sách đem lại giá trị cho người đọc. Một người chưa có gì mà viết sách để đánh bóng bản thân sau đó nhờ marketing “thổi” lên thì càng “giết chết” sản phẩm nhanh hơn. Marketing giỏi mà cái chất của tác giả không có thì không thể làm nên chuyện.
Tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh hiện là Trưởng ban Sinh Viên (báo Tiền Phong), có gần 20 năm gắn bó với tòa soạn báo Sinh Viên Việt Nam-Hoa Học Trò. Anh được đào tạo bài bản về báo chí, truyền thông, xuất bản, marketing... Anh tư vấn xuất bản, chấp bút cho nhiều nhân vật nổi tiếng trong đó có TS Lê Thẩm Dương với nhiều cuốn sách bán chạy như Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công, Hồi ký Lê Thẩm Dương, Người trưởng thành là người biết sợ... Anh cũng là tác giả của Trường học hay trường đời - cuốn cẩm nang được hàng nghìn sinh viên đón nhận.
Nhiều người sợ hiện tượng ra sách ào ạt, chất lượng không đảm bảo, nhưng lại quên mất một điều một cuốn sách chỉ được xuất bản khi có giấy phép xuất bản. Nhà xuất bản, công ty sách liên kết mà làm chặt thì chắc chắn không có chuyện sách kém chất lượng tràn lan được. Chúng ta luôn có những cái chốt để làm rào cản cho những bản thảo kém chất lượng.
Khi làm sách cho những người như TS Lê Thẩm Dương anh luôn tìm cái “chất” của họ, vậy chất của Nguyễn Tuấn Anh trong cuốn sách này là gì?
Tôi nghĩ người ta tìm tới tôi bởi tôi là người làm việc thực tế, có trải nghiệm thật sự với công việc xuất bản sách. Vì lẽ đó tôi không đi theo lý thuyết mà dựa vào các bài học kinh nghiệm đã tạo ra các best-seller. Đây là cẩm nang thực chiến, giúp một số người đọc xong cuốn sách hoàn toàn có thể định hình được phương pháp tự xuất bản cuốn sách cho riêng họ.
Tôi nghĩ chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam hướng dẫn người ta xuất bản một cuốn sách theo kiểu thực chiến như thế này.
Anh đúc rút ra công thức làm sách best-seller cho người ta, vậy sách của anh có lẽ cũng dễ có cơ hội thành best-seller?
(Cười). Tôi không dám khẳng định điều đó, nhưng tín hiệu đón nhận ban đầu rất tốt. Đợt đầu tôi chỉ định in 1.000 cuốn, nhưng chỉ sau ngày đầu tiên phát hành trong kho đã không còn sách nữa. Tôi đang chuẩn bị tái bản sau tuần đầu phát hành. Đặc biệt, tôi muốn thử nghiệm xuất bản cả ở hình thức hiện đại bằng cách đưa lên Fonos-ứng dụng sách nói-cùng thời điểm với phát hành sách giấy.
Nhiều người lo ngại dù văn hóa đọc được cải thiện nhưng một bộ phận đông đảo đọc nhiều nhưng lại ít tinh hoa, chủ yếu sa đà vào đọc để giải trí hoặc đọc những thứ tầm phào. Anh nghĩ gì về điều này?
Sách đa dạng về thể loại, không ai có thể ép mọi người đều đọc kinh điển hay một dòng sách nào đó. Đọc là sở thích và nhu cầu cá nhân. Tôi nghĩ rằng cứ đọc sách đã là điều tốt rồi, với con trẻ thì nên rèn cho con thói quen đọc sách.
Từ tấm bé tôi bắt đầu đến với sách nhờ tha thẩn hàng giờ trong thư viện (mẹ tôi là giáo viên dạy văn, kiêm thủ thư). Thời ấy thấy gì tôi cũng đọc, từ Những người khốn khổ, Bá tước Monte Cristo, rồi Không gia đình,… Tôi học tiếng Pháp cũng chỉ vì niềm mơ ước được đến thăm quê hương Victor Hugo. Sau này tôi cũng đọc nhiều thể loại bản thảo vì tính chất công việc, nhưng càng ngày tôi càng thích những dòng sách kỹ năng. Nhiều cuốn sách dạy kỹ năng hay đã thay đổi tư duy trong công việc, thay đổi quan điểm sống của tôi.
Cảm ơn và chúc mừng anh!